Thứ 5, 28/03/2024 23:42:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:12, 27/04/2018 GMT+7

Không thể nhân danh “hòa hợp dân tộc” để “mặc cả” với nhân dân

Thứ 6, 27/04/2018 | 11:12:00 1,021 lượt xem
BPO - Những ngày này, kiều bào khắp nơi trên thế giới lại hành hương về nước để tham dự Giỗ tổ Hùng Vương, để được trở về với nguồn cội. Có nhiều người trở về từ trước tết nguyên đán Mậu Tuất để được sống trong không khí tết cổ truyền của dân tộc. Dẫu xa xôi cách trở, họ vẫn cố thu xếp để về viếng mộ ông bà, tổ tiên, thăm họ hàng, để đi lễ chùa và ăn miếng bánh chưng quê. Và với nhiều người, trở về còn để thấy đất nước mình đã đổi khác ra sao!

Những người không có điều kiện về nước dự Giỗ tổ, vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch đều tổ chức dâng hương hướng về đất Tổ. Đặc biệt năm nay, Hội người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cộng đồng kiều bào tại một số nước sẽ tổ chức giỗ tổ kết hợp triển khai dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài thực sự là nguồn lực rất lớn trong đóng góp dựng xây đất nước. Nguồn lực ấy không chỉ dừng ở hàng tỷ đô la kiều hối gửi về nước mỗi năm mà còn được thể hiện ở con số 2.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt ở nước ngoài. Nguồn lực ấy còn là tri thức, trí tuệ, kinh nghiệm của các doanh nhân, trí thức Việt kiều đã và đang trực tiếp tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với mong muốn đoàn kết, tập hợp sức mạnh người Việt trong và ngoài nước, từ nhiều năm qua Nhà nước ta không ngừng đưa ra các chính sách nhằm cởi bỏ những định kiến đối với Việt kiều, nhất là những người ra đi năm 1975, tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào trở về quê hương. Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định “Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Rồi những việc làm ý nghĩa khác như dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa, công dân Việt Nam được mang hai quốc tịch, người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Gần đây là việc đề xuất miễn thị thực cho kiều bào cư trú trong 3 tháng để họ ở lại quê hương được lâu hơn. Rồi các hoạt động thu hút doanh nhân, trí thức kiều bào về nước giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi… đã góp phần truyền bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cùng với những chính sách cởi mở hướng về kiều bào, chuyến công tác nước ngoài nào lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên bà con đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước bạn để cập nhật tình hình đất nước, những chính sách mới cùng sự đổi thay của quê hương. Qua đó để làm rõ những thông tin sai lệch về tình hình đất nước mà các nhóm hoạt động chống phá đang thực hiện bằng nhiều hình thức.

Dịp Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm thường trùng với thời gian kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30-4, Quốc tế lao động 1-5, và năm nay cũng thế. Thời gian nghỉ lễ tương đối dài nên các hoạt động quảng bá thu hút du lịch, kích cầu mua sắm khá sôi nổi. Trong nước, không khí hân hoan chào đón ngày kỷ niệm nước nhà thống nhất chộn rộn khắp nơi thì cũng là lúc các hội, nhóm mang tư tưởng thù địch với Việt Nam lại ra rả trên mạng xã hội và các tờ báo chống cộng để tung tin bóp méo sự thực, quy chụp rằng Đảng, Nhà nước ta đối xử thậm tệ với bên thua cuộc. Họ vu cáo, đả phá chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta để chia rẽ các tầng lớp nhân dân cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa người dân trong nước với kiều bào. Họ tìm mọi cách để khoét sâu vào nỗi đau chiến tranh nhằm phá hoại chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Miệng họ cứ ra rả nói về hòa hợp, hòa giải nhưng lại nhận những đồng tiền tài trợ từ nước ngoài để làm những việc phương hại đến chủ trương hòa hợp dân tộc.

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng chứng kiến những kẻ hai lòng theo giặc. Tuy nhiên, với một dân tộc có truyền thống nhân nghĩa, nhân văn từ lâu đời nên từ xa xưa, ông cha ta đã thực hành đạo lý “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Huống hồ không phải bất cứ ai ra đi cũng là vì nợ máu với nhân dân, phải chạy trốn. Bà con kiều bào, cho dù ra đi vì bất cứ lý do gì, bằng cách này hay cách khác thì đa phần vẫn đau đáu hướng về quê hương. Họ cũng buồn, cũng xót xa khi đất nước trải qua các trận thiên tai, bão lụt và cũng tự hào, rưng rưng khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở đấu trường khu vực… Ngay tại Bình Phước, nhiều năm qua cũng đã đón tiếp nhiều cá nhân, tổ chức nhân đạo là Việt kiều trở về hỗ trợ những người yếu thế. Đó là cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, quê gốc xã Tân Lợi (Hớn Quản), là Việt kiều Mỹ. Suốt từ năm 2007 đến 2012 đều đặn mỗi năm đã tài trợ tiền, vật phẩm trị giá khoảng 100 triệu đồng cho nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Là nhóm Bác sĩ thiện nguyện Trường đại học Mercer (Mỹ) thông qua hội Việt kiều đã phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, Công ty TNHH Mỹ Lệ tổ chức thay chân giả và khám bệnh xương khớp cho 900 người nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2015…

Thế đấy! Trong khi rất nhiều kiều bào trở về nước, sẵn sàng đóng góp cho quê hương và họ tình nguyện làm việc thiện như thực hiện mệnh lệnh từ trái tim thì một số kẻ lại nhân danh “hòa hợp”, “hòa giải” để thực hiện những việc phương hại đến quốc gia, dân tộc. Một việc làm cũ rích mà họ không thấy chán suốt nhiều năm qua là kêu gào “xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” mới là điều kiện tiên quyết để hòa hợp, hòa giải dân tộc - cho dù biết rõ nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự “mặc cả” vô lý ấy!

Thảo Linh

  • Từ khóa
2761

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu