Thứ 5, 25/04/2024 11:43:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:13, 08/10/2016 GMT+7

Không thể huề cả làng

Tấn Phong
Thứ 7, 08/10/2016 | 13:13:00 108 lượt xem
BP - Một lần nữa liên bộ Tài chính, Công thương bị phát hiện việc tính “nhầm” thuế giá xăng làm nóng dư luận tuần qua. Theo cách tính này, mỗi người dân khi sử dụng xăng phải gánh thêm 200 đồng/lít. Đây là một điều hết sức vô lý, đòi hỏi liên bộ cần có giải pháp khắc phục hậu quả, đồng thời xử lý các đối tượng làm sai, không để huề cả làng như trước.

Vào tháng 3-2016, liên bộ Tài chính, Công thương đã tính thuế sai đối với xăng từ các khu vực nhập khẩu vào nước ta. Việc tính sai này đã làm người tiêu dùng trong cả nước bị thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng vì sự chênh lệch thuế xăng, dầu giữa các thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, khi dư luận phản ứng thì liên bộ vẫn “bình chân như vại” và không xử lý triệt để người tham mưu sai. Chỉ có Bộ Tài chính hứa sớm khắc phục, “trám” lỗ hổng về thuế nhưng đâu lại vào đó. Hậu quả là thêm một lần nữa tính thuế xăng sai khiến người tiêu dùng phải gánh thêm 200 đồng/lít xăng. Theo cách tính này, hiện giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 1.650 đồng/lít, trong đó 1.050 đồng/lít chi phí định mức, 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và 300 đồng/lít tiền quỹ bình ổn. Nhiều chuyên gia cho rằng, với cách tính này, mỗi lít xăng bị đội giá thêm khoảng 200 đồng vì đã mất 300 đồng/lít để nộp quỹ, người dân vừa phải mất thêm tiền thuế vì đóng quỹ. Tức liên bộ tính thuế cả khoản trích lập quỹ bình ổn giá. Mà quỹ này do người sử dụng xăng góp 300 đồng/lít, lại còn phải đóng thêm thuế cho khoản tiền dự phòng này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã chịu khoản thuế môi trường 3.000 đồng/lít cũng được tính thêm thuế, tức thuế chồng thuế. Theo đánh giá, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng, thì việc tính sai thuế tiêu thụ đặc biệt nói trên đã làm cho người tiêu dùng thiệt hại gần 3.100 tỷ đồng/năm.

Với cách tính thuế chồng chéo kiểu này, người tiêu dùng bị thiệt thòi, còn doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu hưởng lợi lớn. Điều đáng nói là sự bất hợp lý này ai cũng biết, nhưng các cơ quan chức năng không xử lý tận gốc nên sai vẫn cứ chồng sai. Đầu năm, con số sai thuế bị móc túi 3.500 tỷ đồng, cuối năm là gần 3.100 tỷ đồng, thì trong thời gian tới liên bộ có còn tính sai hay không? Nếu 6.700 tỷ đồng bị thiệt hại do tính thuế sai được đầu tư trở lại cho các công trình hạ tầng giao thông thì sẽ có nhiều kilômét đường giao thông nông thôn, nhiều cây cầu bê tông hay hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, trường học được xây dựng...

Vì vậy, dư luận đang đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp xử lý người đã tính thuế sai gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Đồng thời cần làm rõ động cơ, mục đích nào để một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước tính thuế sai để xử lý nghiêm, làm gương cho người khác. Luật pháp nước ta đã quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người tiêu dùng và nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm pháp luật, do đó việc tính thuế sai này không thể huề cả làng như lần đầu năm được mà phải xử lý triệt để.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu