Thứ 6, 19/04/2024 20:06:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:17, 10/07/2018 GMT+7

Không thể chia rẽ đạo với đời

Thứ 3, 10/07/2018 | 08:17:00 1,263 lượt xem
BP - Cùng với dân tộc, vấn đề tôn giáo luôn được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch xác định là một trong 2 “ngòi nổ” hữu hiệu của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chia rẽ đạo với đời, đối lập tôn giáo với dân tộc được chúng coi là đòn tấn công trực diện hiệu quả đánh vào chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Để có thể tỉnh táo, vạch trần âm mưu đen tối đó, trước hết, mỗi người dân cần nhận thức rõ một số vấn đề cốt yếu sau đây:

Thứ nhất, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các tôn giáo hoàn toàn được thừa nhận và tôn trọng. Chúng ta đã xây dựng và ban hành đầy đủ văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các tôn giáo hoạt động thuận lợi. Cao nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dưới luật là các thông tư, hướng dẫn thi hành chi tiết, đầy đủ, bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật và đúng tôn chỉ, mục đích của mình.

Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để các tôn giáo hoạt động nghiên cứu giáo lý, giáo luật và truyền đạo đúng pháp luật như: Bố trí quỹ đất để xây dựng các học viện, chủng viện, trường đào tạo tôn giáo, các cơ sở thờ tự, trường dòng, nhà thờ. Có thể nói, chưa ở đâu mà các cơ sở tôn giáo lại đông đảo, phong phú như Việt Nam. Mỗi làng xã Việt Nam, nếu không có nhà thờ thì là chùa chiền, miếu mạo, thậm chí mỗi dòng họ đều có họ đạo riêng của mình như đạo Cao Đài. Hoặc vừa có chùa, lại vừa có nhà thờ, thánh đường cùng tọa lạc trên địa bàn một làng, xã. Đây là đặc trưng thể hiện sự phong phú, phát triển, hòa nhập vào cộng đồng dân cư của hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều tổ chức gặp gỡ các chức sắc tôn giáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhằm kịp thời giải quyết, giúp đỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thông qua các chức sắc tôn giáo vận động, kêu gọi giáo dân, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng với các tôn giáo đồng hành xây dựng gia đình, địa phương và đất nước phát triển về mọi mặt.

Thứ hai, các tôn giáo đã và đang có sự điều chỉnh, thích nghi và phát triển, hòa nhập vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ngày nay, các lễ hội tôn giáo đã hòa vào dòng chảy văn hóa dân tộc, mang hồn cốt Việt Nam như Giáng sinh, Phục sinh, Vu lan báo hiếu..., thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân theo đạo và không theo đạo, trở thành nét đẹp văn hóa rất Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, các tôn giáo đều giống nhau ở lòng nhân ái, hướng thiện. Đây cũng chính là mục đích cao cả cần phấn đấu đạt được của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức xây dựng. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển đất nước, xây dựng chế độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Phật giáo quan niệm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, còn Thiên chúa giáo chủ trương “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Giáo lý, giáo luật các tôn giáo đều bắt buộc giáo dân, tín đồ phải sống nhân ái, hòa thuận, kính trên nhường dưới, yêu nước, yêu đồng bào, sống có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Đó là những quan niệm, chủ trương đúng đắn, gắn với đời thường, thể hiện trách nhiệm của các tôn giáo trong xây dựng đất nước, xây dựng chế độ. Cụ thể, trong Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam có viết: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm...”.

Thứ ba, thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay rất phát triển, gắn liền với đời sống người dân và quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc. Chúng ta đều biết, Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, gồm tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập. Tuy nhiên, các tôn giáo đều rất đoàn kết, hòa đồng, hoàn toàn không có xung đột hoặc chiến tranh tôn giáo.

Hoạt động tôn giáo phát triển, hệ thống cơ sở tôn giáo nhiều, phân bố đều trên cả nước, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn ra thành thị. Đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo và 1 pháp môn tu hành với khoảng 25 triệu tín đồ, chiếm trên 25% dân số, gần 53.000 chức sắc, 133.700 chức việc, 27.900 cơ sở thờ tự. Chính phủ tiếp tục công nhận những dòng tu, tổ chức tôn giáo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam như Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, trụ sở tại Tam Phú, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima có trụ sở tại Linh Xuân, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Độc đáo hơn, ở Việt Nam, việc theo hay không theo đạo được đặc biệt tôn trọng, là nhu cầu tự thân của mỗi người. Vì vậy mới có hiện tượng trong một gia đình có người theo đạo, cũng có người không theo đạo nhưng vẫn sống hòa đồng và giữ gìn văn hóa dân tộc dưới một mái nhà. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, trong thời gian qua có một số người vì cố tình không hiểu, vì các mục tiêu sâu xa đen tối của mình đã lôi kéo, xúi giục, kích động giáo dân làm những việc vi phạm pháp luật, đi ngược với tôn chỉ mục đích sống “tốt đời, đẹp đạo”, chống phá chính quyền như gây rối, đập phá cơ quan công quyền, đánh trọng thương cán bộ; ngăn cản, không cho con em tới trường học tập... Mặc dù đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, song đã bộc lộ ý đồ chia rẽ đạo với đời, đối lập tôn giáo với dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.

Có thể thấy rằng, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay rất phát triển, rất đời thực và gắn liền với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chia rẽ đạo với đời, đối lập tôn giáo với dân tộc rõ ràng chính là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Các âm mưu, thủ đoạn đó sẽ bị thực tế hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phủ nhận và bác bỏ.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2781

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu