Thứ 5, 25/04/2024 18:14:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:42, 01/06/2016 GMT+7

Không sớm thay đổi sẽ thất bại ngay trên sân nhà

Thứ 4, 01/06/2016 | 07:42:00 261 lượt xem

BP - Hiện nay, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC). Thời gian qua, các KCN, KKT, KCX, KCNC đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt ở các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, tại hội nghị giao ban câu lạc bộ các KCN, KKT, KCX, KCNC tỉnh, thành phía Nam ngày 27-5 tổ chức tại khách sạn Bom Bo, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nhiều vướng mắc, hạn chế, khó khăn rất “nóng” đã được nêu lên, trong đó có cả những vấn đề mang tầm chiến lược lâu dài trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.

“Khi chúng ta ra thế giới thì phải chấp nhận luật chơi chung. Nếu không sớm cải thiện những vướng mắc thì chúng ta sẽ thua ngay trên chính sân nhà” -  ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban thường trực Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.  

VỪA LÀM VỪA SỢ

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 là bước đột phá của quá trình hội nhập, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới phương thức đầu tư kinh doanh. Hình thức đăng ký đầu tư, kinh doanh qua hệ thống thông tin quốc gia là bước cải tiến mạnh mẽ. Việc minh bạch trong quy định các ngành nghề cấm và hạn chế kinh doanh đã tạo được lòng tin của doanh nghiệp (DN).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao tặng bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 7 đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015
Được sự ủy quyền, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 7 đơn vị xuất sắc trong phong trào năm 2015

Tuy nhiên, sau gần 1 năm thực hiện, một số khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ. Sự mâu thuẫn, vướng mắc giữa các luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường...; các nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015, Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12-2-2007... đã gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và cho DN khi muốn đầu tư vào các KCN, KKT, KCX, KCNC. Thực tế, có 16/38 ban quản lý KKT khu vực phía Nam kiến nghị tới hội nghị.
Tại hội nghị, các ban quản lý KKT đề xuất Vụ Quản lý các KKT kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ: Sớm có hướng dẫn cụ thể về quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng một đầu mối tại các ban quản lý KCN, KKT, KCX để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Hướng dẫn chi tiết về đối tượng ký quỹ đầu tư và hình thức xử lý tiền ký quỹ trong trường hợp chậm tiến độ triển khai dự án theo quy định. Sớm sửa đổi bổ sung Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Sửa đổi Nghị định số 23/2007/NĐ-CP phù hợp với Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN trong thực hiện mục tiêu mua bán hàng hóa.

Sự mâu thuẫn, ràng buộc giữa các luật đã gây khó khăn cho DN như: Việc đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, hai nội dung này được thực hiện tại hai cơ quan là Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban quản lý KKT. Điều này khiến DN gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, chi phí, nhân lực... Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường là chưa hợp lý. Vì sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, nếu dự án không được chấp thuận chủ trương đầu tư, không được cấp giấy chứng nhận đầu tư vì những lý do khác thì nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Về quản lý nhà nước, đối với dự án đầu tư trong nước tại các KCN, KKT, theo quy định tại Khoản 2, Điều 36, Luật Đầu tư 2014, dự án đầu tư trong nước không phải đăng ký cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, do đó các ban quản lý gặp khó khăn trong quản lý tiến độ đầu tư, ngành nghề đầu tư, quy hoạch xây dựng, môi trường dẫn đến quản lý nhà nước đối với DN trong nước chưa chặt chẽ. Có sự mâu thuẫn trong việc cấp phép hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Luật Đầu tư và Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Thương mại. Cụ thể, Luật Đầu tư không quy định phải xin ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành đối với DN FDI thực hiện các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định phải được sự chấp thuận của Bộ Công thương. Việc thành lập KCN mới và mở rộng KCN gặp khó khăn do vướng quy định tỷ lệ lấp đầy 60%. Thực tế hiện tại một số KCN có giai đoạn 1 đã lấp đầy hơn 70% nhưng tỷ lệ lấp đầy của các KCN được giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch chưa đáp ứng tỷ lệ 60% theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, do đó nhà đầu tư có nguyện vọng tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 hoặc thành lập KCN nhưng gặp khó khăn do vướng quy định về tỷ lệ lấp KCN...

 Đại diện lãnh đạo KCN Singapore Bình Dương cho biết: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số luật liên quan hiện có nhiều bất cập khiến đơn vị và DN “vừa làm vừa sợ”. Luật Xây dựng năm 2014 quy định các dự án sản xuất thuốc chữa bệnh thuộc cấp đặc biệt phải ra Trung ương xin phép, thời gian rất lâu, phiền hà cho DN, trong khi chúng ta đang kêu gọi đầu tư ngành dược.

MỤC TIÊU NÀO CHO CÁC KHU KINH TẾ?

Hiện Tây Ninh có hai KKT là Mộc Bài và Xa Mát. 15 năm triển khai, cả 2 KTT gặp khó khăn do diện tích quy hoạch rộng nhưng vốn ít. Ông Kiều Công Minh, Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Tây Ninh cho biết: Ở thời kỳ đầu, triển khai miễn thuế thu hút được khách, doanh thu 2.000 tỷ đồng/năm. Nhưng khi không được miễn thuế các mặt hàng bia, thuốc lá... thì doanh thu giảm chỉ còn 400 tỷ đồng/năm. Từ kinh nghiệm đó cho thấy, mục tiêu đặt ra của KKT, KCN phải theo hướng công nghiệp là chính, không thể phát triển hướng thương mại. Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban quản lý KKT Bình Dương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các KCN, KKT, KCX, KCNC tỉnh, thành phía Nam cho rằng: Vì thương mại chỉ mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, khó thành công. Chỉ có hướng theo công nghiệp mới phát triển lâu dài và mang tới sự ổn định, phát triển thành công cho các KCN. Minh chứng là thành công của KCN Becamex Bình Dương.

“NẾU KHÔNG CHỦ ĐỘNG, CON CHÁU CHÚNG TA SẼ LÀM THUÊ
CHO NƯỚC NGOÀI NHIỀU HƠN”

Hạn chế lớn nhất của DN Việt Nam là thiết bị, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng yếu kém. Muốn cải thiện, DN Việt Nam phải nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng khoa học - công nghệ để thu hút DN FDI. Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực chắc chắn sẽ có nhiều DN lớn về đầu tư. Các DN lớn thường cần diện tích mặt bằng lớn. Và khi đó những thành phố như TP. Hồ Chí Minh sẽ không đáp ứng được nhu cầu về quỹ đất, cơ hội cho các tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, DN lớn thường tham gia trên sàn chứng khoán nên muốn sự an toàn và chỉ đầu tư trên “đất sạch” và họ rất “ngại” đầu tư trên đất rừng, đất cao su. “Vì thế, các tỉnh muốn đón đầu DN lớn thì phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để thu hút đầu tư. Các DN trong nước nếu không chịu học hỏi, nâng cao công nghệ... thì con cháu chúng ta sẽ phải làm thuê cho DN nước ngoài nhiều hơn” - ông Nguyễn Tấn Phước nói.

Mâu thuẫn, bấp cập trong nhiều văn bản luật khiến doanh ngiệp đầu tư vào các KCN, KKT, KCX... gặp nhiều khó khăn - Ảnh: K.BMâu thuẫn, bấp cập trong nhiều văn bản luật khiến doanh ngiệp đầu tư vào các KCN, KKT, KCX... gặp nhiều khó khăn - Ảnh: K.B

Đại diện Ban quản lý KKT tỉnh Kon Tum cho biết thêm: Một vướng mắc nữa hiện nay là nhiều DN chậm triển khai dự án là do quy hoạch nhiêu khê. Chính quyền giao cho DN giải tỏa, đền bù đất đai là thất bại vì khó nhận được sự đồng tình của người dân.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT đề xuất: Để không gây phiền hà cho DN, khi thanh tra, kiểm tra nên phối hợp liên ngành để hạn chế số lần kiểm tra. Tạo điều kiện thông thoáng trong thu hút đầu tư cũng như cho DN hoạt động nhưng phải chú trọng đến môi trường với phương châm “Không đánh đổi dự án với môi trường”. Vì thế, trong quá trình thu hút đầu tư, cấp giấy phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường phải kỹ lưỡng ngay từ bước đầu, nhất là các lĩnh vực đầu tư thuộc da, nhuộm, sợi, may mặc. Những ngành này tuy thu lợi nhiều nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
40363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu