Thứ 6, 29/03/2024 15:11:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:57, 22/08/2014 GMT+7

Không phức tạp, nhưng không nên chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ 6, 22/08/2014 | 08:57:00 82 lượt xem
BP - Bản tin Thời sự 19 giờ ngày 18-8-2014 trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) có đưa “Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Bình Phước có diễn biến hết sức phức tạp”. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao?

Trước thông tin “Tình hình dịch SXH tại Bình Phước có diễn biến hết sức phức tạp” được phát trong bản tin Thời sự 19 giờ ngày 18-8-2014 trên kênh VTV1, là người đứng đầu cơ quan chuyên môn phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống SXH của tỉnh nói riêng, tôi xin khẳng định tình hình SXH trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2014 đến ngày 10-8-2014 toàn tỉnh có 242 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong; số ca mắc giảm 81,5% so cùng kỳ năm 2013 (1.312 ca), 10/10 huyện, thị có số ca mắc giảm so cùng kỳ năm 2013 và là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; số tử vong giảm 1 so cùng kỳ năm 2013.

Về thông tin các ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Số ổ dịch được phát hiện và tích lũy từ ngày 1-1 đến 10-8-2014 là 14, trong đó 12 ổ dịch đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, còn 2 ổ dịch do bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, khai báo địa chỉ không rõ ràng nên cơ quan chuyên môn không tìm ra để xử lý. Mặt khác các ổ dịch cũng phân bố rải rác ở các địa phương trong tỉnh và vào các thời điểm khác nhau chứ không phải tập trung. Các ổ dịch SXH được phát hiện và xử lý theo thời gian ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau: Tháng 1: 2 ổ dịch (tại Bù Gia Mập và Hớn Quản); tháng 3: 1 ổ dịch (tại Đồng Phú); tháng 4: 1 ổ dịch (tại Chơn Thành); tháng 5: 1 ổ dịch (tại Lộc Ninh); tháng 6: 3 ổ dịch (tại Hớn Quản, Bù Gia Mập 2); tháng 7: 3 ổ dịch (tại Phước Long, Đồng Phú và Chơn Thành); tháng 8: 3 ổ dịch (tại Bình Long, Phước Long và Bù Đăng).

Phương án khống chế ổ dịch của ngành y tế thời gian qua được triển khai như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, công tác giám sát phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo đó, ngành y tế các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH cũng như sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống; chủ động giám sát côn trùng tại các điểm giám sát theo kế hoạch để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi chỉ số côn trùng tăng cao; giám sát chặt chẽ ca bệnh để phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi nhận được thông tin về ổ dịch.

Ông dự báo như thế nào về dịch SXH ở tỉnh ta trong thời gian tới?

Hiện tình hình SXH trên địa bàn tỉnh đang được giám sát chặt chẽ, số ca mắc giảm so cùng kỳ hàng năm, không có dịch SXH. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển. Bình Phước lại nằm trong vùng SXH lưu hành, do đó không được lơ là, chủ quan mà phải luôn chủ động phòng chống dịch. Nếu ngành y tế tổ chức giám sát tốt kết hợp sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt của mỗi người dân, hộ gia đình phòng chống dịch thì SXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất khó bùng phát thành dịch.

P.D

 

  • Từ khóa
49701

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu