Thứ 4, 24/04/2024 20:17:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:55, 13/06/2018 GMT+7

Không phải địa phương nào cũng làm được!

Thứ 4, 13/06/2018 | 08:55:00 139 lượt xem

BP - Như vậy là xã Tiến Thành - chứ không phải phường có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế như Tân Bình, Tân Đồng hay có nhiều cán bộ, cơ quan cấp tỉnh đứng chân trên địa bàn như phường Tân Phú, đã được UBND thị xã Đồng Xoài công nhận xóa nghèo. Điều đó cho thấy không phải cứ địa phương, đơn vị có điều kiện kinh tế thuận lợi mới có khả năng thoát nghèo, xóa nghèo mà là ở cách làm phù hợp. Với một xã có tỷ lệ người dân sống bằng nghề nông cao như Tiến Thành, nếu không tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả thì kết quả giảm nghèo cũng chỉ làng nhàng như các địa phương khác. Vậy cách của Tiến Thành là gì? Vì sao xã này “dám” đề ra mục tiêu chỉ trong 6 tháng giảm 100% hộ nghèo (số tuyệt đối là 26 hộ) và giảm 30% hộ cận nghèo!?

Ai cũng biết, trong công tác giảm nghèo, càng những hộ về sau càng khó giảm. Lý do là họ rơi vào trường hợp đặc biệt khó khăn, như không có đất sản xuất, người già neo đơn, mắc bệnh nan y hoặc đông người ăn theo nhưng không có hoặc rất ít người trong độ tuổi lao động... Những trường hợp này, dù bản thân họ có cố gắng đến mấy cũng không thể thoát nghèo. Bởi thế, cách làm “an toàn” của một số địa phương đối với những trường hợp này là... đưa vào diện trợ cấp xã hội thường xuyên. Nhưng Tiến Thành không làm vậy. Ngoài nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo để biết họ cần hỗ trợ điều gì trước, xã giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi khi có nhu cầu sản xuất; đồng thời vận động các hội, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ gạo hằng tháng, tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà tình thương, trợ cấp khó khăn đột xuất... Thế nhưng cách làm hiệu quả nhất, bền vững nhất là xã đã tận dụng lợi thế có nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để vừa giải quyết việc làm cho lao động hộ nghèo, cận nghèo; vừa vận động doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp theo địa chỉ cụ thể. Chính vì vậy chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Tiến Thành đã giảm 16 hộ nghèo và đến đầu tháng 6 này đã xóa hết 100% hộ nghèo.

Cái hay ở Tiến Thành là không phải cứ xóa được hộ nghèo thì cấp ủy, chính quyền “rung đùi” tự bằng lòng, bởi ranh giới giữa hộ nghèo với cận nghèo rất mong manh. Nếu không giúp họ giảm nghèo bền vững thì chỉ qua một đợt mắc bệnh phải chữa trị, hộ cận nghèo lại rơi xuống hộ nghèo. Chính vì thế, sau khi xét thoát nghèo, từ số tiền vận động được, xã sẽ xây dựng 2 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng tặng hộ nghèo. Và mục tiêu của Ban chỉ đạo giảm nghèo xã trong năm 2018 là tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng thêm 2 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở.

Những năm qua, Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các tỉnh, thành. Tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã và xã lại phân bổ chỉ tiêu về các thôn, ấp, khu phố. Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, trong chừng mực nào đó được xem như động lực để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân vận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm thoát nghèo. Tuy nhiên, không ít địa phương vì chạy theo chỉ tiêu nên kết quả giảm nghèo không thực chất. Thậm chí có trường hợp cán bộ “nói nhỏ” với hộ nghèo làm “đơn xin thoát nghèo” để đạt thành tích, sau đó lại đưa vào diện tái nghèo!

Với cách làm của Tiến Thành, có thể thấy là không mới nhưng không phải địa phương nào cũng làm được. Điều đó cho thấy, khi có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy đảng, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể vào cuộc với tinh thần trách nhiệm thì công tác giảm nghèo sẽ đi vào thực chất và đạt kết quả khả quan.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu