Thứ 5, 28/03/2024 23:25:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 12:33, 08/06/2018 GMT+7

Không phải cứ “thượng đế” là đòi hỏi cả những điều vô lý!

Thứ 6, 08/06/2018 | 12:33:00 358 lượt xem
BP - Chiều thứ bảy vừa rồi, con gái từ TP. Hồ Chí Minh về chơi nên vợ chồng tôi rủ thêm 2 gia đình nữa ra quán N.S (Đồng Xoài) ăn. Ngày cuối tuần, lại đúng dịp nghỉ hè nên nhiều gia đình đưa con trẻ đi cải thiện khiến quán khá đông và ồn ào. Vì quán đông nên nhân viên phục vụ chạy mướt mồ hôi vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thực khách. Những đứa trẻ nôn nóng đòi ba mẹ cho ăn mà không nghĩ rằng, đây là quán ăn chứ không phải trong căn bếp nhà mình.

Ở bàn bên cạnh, tôi nghe tiếng một người đàn ông quát nạt nhân viên phục vụ. Anh ta xưng “mày - tao” với mấy nhân viên chạy bàn mà sau này tôi được biết họ là sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thị xã phục vụ theo giờ tại quán: “Sao tao gọi món gần tiếng đồng hồ vẫn chưa mang ra?”. “Dạ quán đông nên chú thông cảm. Để cháu vào hối nhà bếp ạ”. “Hối hối cái con c... Làm ăn kiểu này thì dẹp mẹ nó quán đi”. Người đàn ông văng ra mấy câu khó nghe rồi hùng hổ kéo vợ con ra khỏi quán. Cách đó không xa, một đứa trẻ chừng học lớp 5, 6 gì đó ngoắc tay gọi anh chạy bàn: “Ê, cho đậu phộng trước đi”. Vậy mà ba mẹ đứa bé cũng chẳng nói năng gì để chỉnh đốn con. Người mẹ trẻ còn vò đầu con trai và nói: “Con mà không học hành tử tế thì sau này cũng chỉ phục vụ quán ăn thôi nghen!”. Lập tức, tôi thấy mất thiện cảm với người phụ nữ bất lịch sự kia, cho dù gương mặt cô khá xinh và ăn mặc khá thời trang. Tôi mong sao cậu nhân viên phục vụ không nghe được câu chị ta vừa nói và thầm nghĩ, chắc gì con chị ta sau này được như cậu ấy!

“Muốn ăn ngon xin đừng hối, tội bếp!!!” - một quán nhậu ở thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bất đắc dĩ đã phải viết lời đề nghị này chăng lên trước quán

Chuyện thực khách vào quán nhậu rồi cậy mình là “thượng đế”, lớn tiếng quát nạt, hạch sách nhân viên phục vụ đã trở nên rất đỗi bình thường và diễn ra ở hầu hết các quán, phổ biến nhất là quát nạt nhân viên chậm mang đồ ăn ra. Có người vào quán, “ngồi chưa nóng chỗ” đã gõ chén bát gọi ầm lên: “Ê, tính tiền!”. Ý nói không phục vụ nhanh thì sẽ đi. Rồi người thì chê chén đũa không sạch; chê rau thơm không tươi không ngon; chê ớt không cay, chê mặn - lạt. Lại có người chê thực phẩm không tươi hay giá quá đắt... và chỉ còn thiếu đòi... hâm nước mắm! Họ đâu biết rằng thức ăn được nấu nướng ra sao là do bộ phận nhà bếp. Giá đắt hay rẻ, tươi ngon hay không là do chủ quán. Nhân viên chạy bàn chỉ có trách nhiệm gợi ý cho khách gọi món, bưng thức ăn ra và phục vụ những đòi hỏi tại bàn của khách mà thôi.

Tôi đã hỏi Đ - một nhân viên phục vụ theo giờ tại quán, thì được biết, em là sinh viên năm 2 Trường cao đẳng công nghiệp cao su. Mỗi giờ chủ quán trả... 15 ngàn đồng. Nếu làm theo tháng thì được trả 4 triệu đồng/tháng. Hỏi sao không phục vụ quán cà phê đỡ mệt hơn thì em cho biết, phục vụ quán nhậu, tiền công thấp nhưng thi thoảng cũng được khách “boa”. Thường chỉ là số tiền lẻ khách không yêu cầu thối lại, có khi chỉ 5.000, 10 ngàn đồng, có khi 15-20 ngàn, nhưng không phải ngày nào, tuần nào cũng có. Quán lại gần trường nên đi lại thuận tiện. Đ cũng cho biết hầu hết nhân viên chạy bàn trong quán là sinh viên. Và cũng chỉ sinh viên mới chấp nhận mức tiền công rẻ mạt như thế mà thôi.

Tôi chợt nhớ một câu chuyện nghe được trong quán cà phê vào cuối tuần trước. Đó là nhân viên phục vụ tại một quán bia hơi ở TP. Hồ Chí Minh bị khách quát nạt dữ quá, lại nhiều lần nhậu ở quán mà không “boa” nên anh ta sinh ghét, lén bưng khay bia vào nhà vệ sinh rồi... tiểu vào ly bia trước khi bưng ra cho khách. Rồi chuyện nhân viên không được “boa”, lại bị nạt nộ đã... nhổ nước bọt vào lẩu của khách. Những chuyện kinh khủng này, người ta chia sẻ trên mạng và trong quán cà phê. Và tôi chỉ dám hy vọng đó chỉ là chuyện “nói cho đã miệng” mà thôi.

Nhân viên phục vụ nhà hàng, quán nhậu là những người “làm dâu trăm họ”, “quyền rơm vạ đá” nên rất vất vả. Có nhà hàng cấm khách hút thuốc tại bàn ăn nhưng khách vẫn hút. Khi được nhắc nhở thì lớn tiếng nạt nộ. Có nhà hàng cấm thực khách mang thức ăn, đồ uống bên ngoài vào nhưng khách bất chấp. Có người ngồi xuống bàn, lấy ngay chai rượu trắng tráng chén bát rồi hắt toẹt xuống nền nhà. Lại có thực khách mang theo cả thú cưng vào nhà hàng, quán nhậu... Nếu nhân viên phục vụ không nhắc nhở sẽ bị chủ quán la. Nhưng nếu nhắc sẽ bị khách la. Thành ra họ vào thế “đi thì mắc núi, ở lại mắc sông”. Các nhà hàng ở thành phố lớn còn có xe đẩy trợ giúp và môi trường làm việc mát mẻ vì có máy lạnh. Ở những nhà hàng này, nhân viên chạy bàn thường được “boa”. Còn phục vụ những quán nhậu bình dân ở một môi trường tỉnh lẻ như Bình Phước thì công việc cực nhọc mà tiền công thường rẻ mạt; chưa kể nhiều thực khách cậy mình là “thượng đế” nên đòi hỏi cả những chuyện rất vô lý, thậm chí là những hành xử thiếu văn hóa nên nhiều khi họ bị ức chế.

Cũng như các công việc phục vụ khác, phục vụ nhà hàng, quán nhậu hầu hết là nam giới. Họ phải nhanh tay nhanh mắt, làm việc quần quật và không chỉ bị thực khách hạch sách, họ còn bị chủ quán quát tháo và hễ phản ứng là... “lên đường”. Ngoài số sinh viên tranh thủ làm việc tại các nhà hàng, quán nhậu để có tiền đóng học phí, những người chọn công việc này chủ yếu là dân tỉnh lẻ, học hành ít, không nghề nghiệp, không biết phải làm gì khác để trang trải cuộc sống. Rứt áo từ cái cày, con trâu lên thành phố, thị xã, họ mang theo kỳ vọng thay đổi phần nào cuộc sống hiện tại. Chính vì thế nhiều khi họ phải nhịn nhục cả những yêu cầu rất vô lý của thực khách, nhịn nhục chủ quán để có việc làm, dành dụm tiền gửi về nuôi gia đình.

Tôi đã nói với con, nhưng cốt để những người đàn ông trong bàn nhậu nghe rằng, vào quán, khôn ngoan nhất là hãy nở một nụ cười “cầu toàn” với nhân viên chạy bàn. Nếu không sẵn lòng “boa” mấy đồng tiền lẻ khi thanh toán để lần sau được phục vụ tốt hơn thì hãy nói chuyện nhẹ nhàng, tử tế với họ, bởi nghề nào cũng cần được tôn trọng. Khi ấy họ sẽ nhanh tay hơn, vui vẻ hơn để mang đồ ăn ra cho bạn. Bằng không họ sẽ vờ như không nghe thấy bạn đang đòi chanh, đòi ớt, đòi rau thơm. Còn nếu bạn cứ nghĩ mình là “thượng đế” thì có quyền hạch sách, thậm chí đòi “hâm nước mắm” thì bạn đang gây ức chế cho người phục vụ mình. Khi ấy, rất có thể họ sẽ bưng khay bia vào... nhà vệ sinh trước khi bưng ra cho bạn! 

Thảo Linh

  • Từ khóa
93643

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu