Thứ 4, 24/04/2024 12:47:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:35, 23/04/2016 GMT+7

Không lạ mới... kỳ?

Thứ 7, 23/04/2016 | 08:35:00 116 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, một tờ báo đưa tin “Nghệ An có thêm một thị xã đạt chuẩn nông thôn mới”! Đọc xong bản tin này nghe kỳ kỳ, lạ lạ vì không hiểu tác giả thiếu kiến thức hay bước thụt lùi của lịch sử?

Nội dung của bản tin viết: Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) có 6/6 xã (tỷ lệ 100%) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó các chỉ tiêu về kinh tế, quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... đều thực hiện tốt. Thu nhập bình quân năm 2015 của thị xã đạt 30,1 triệu đồng/người/năm (năm 2010 đạt 15,16 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,54% (năm 2010 là 6,9%). Vì vậy, thị xã Thái Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới!

Điều kỳ lạ ở đây là ai cũng biết thị xã là đô thị cấp IV hoặc cấp III, do tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Về quy mô, thị xã nhỏ hơn các thành phố và lớn hơn thị trấn, là nơi tập trung đông dân cư, sinh sống bằng các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Về loại hình, thị xã là một đô thị và dân cư tại đó được xếp là dân thành thị, mặc dù bên cạnh các đơn vị hành chính là phường (chiếm tỷ lệ lớn) thì có thể vẫn còn một số xã. Còn nông thôn là danh từ để chỉ những vùng mà người dân sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Thông thường một xã gồm một làng nhưng cũng có xã gồm một vài làng. Mỗi thôn gồm một xóm, cũng có thôn gồm một vài xóm.

Thị xã Thái Hòa của Nghệ An được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở sáp nhập 7 xã nông thôn của huyện Nghĩa Đàn. Nói cách khác, nông thôn muốn trở thành thị xã phải trải qua một quá trình phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và tốc độ đô thị hóa cùng với sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế, thu nhập. Vì vậy, thị xã khác hẳn với huyện về mọi mặt, nhưng nay lại được công nhận chuẩn nông thôn mới thì quả là một bước thụt lùi của lịch sử. Vì đã là thị xã cũng có nghĩa đã là đô thị và đã là đô thị thì không thể gọi là nông thôn dù là mới hay cũ. Vẫn biết rằng huyện là cấp hành chính tương đương với thị xã, quận, thành phố trực thuộc tỉnh và không thể áp đặt việc có huyện đạt nông thôn mới thì cũng có thị xã hay quận hoặc thành phố trực thuộc tỉnh đạt nông thôn mới.

Ở Bình Phước, sau thị xã Đồng Xoài chúng ta đã có thêm hai thị xã là Bình Long và Phước Long được thành lập từ năm 2009 trên cơ sở hai thị trấn An Lộc (Bình Long), Thác Mơ (Phước Long) và các xã phụ cận. Ví như trước khi thành thị xã, Đồng Xoài là một thị trấn và một số xã lân cận, trước đó thị trấn Đồng Xoài là một xã nghèo với đa phần cư dân sống bằng nghề nông. Sau khi tái lập tỉnh, Đồng Xoài lên thị trấn và đến năm 2000 mới trở thành thị xã do tốc độ đô thị tăng nhanh và sự thay đổi về dân cư lẫn cơ cấu kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, khi đọc bản tin “Nghệ An có thêm thị xã đạt chuẩn nông thôn mới” mà người đọc lẫn người nghe thấy không kỳ cục mới là điều lạ.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu