Thứ 6, 29/03/2024 02:43:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:47, 03/07/2013 GMT+7

Không dùng cụm từ “địa phương” trong hiến pháp

Thứ 4, 03/07/2013 | 14:47:00 54 lượt xem

Điều 117 (sửa đổi, bổ sung Điều 121) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý Nhà nước.

Với nội dung quy định như trên, theo tôi là chưa hoàn toàn đúng. Vì, theo sách “Từ điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2002, trang 342, thì cụm từ “địa phương” là phần đất trong một nước ở về phương nào đó: Óc địa phương, giờ địa phương, phong vị địa phương, danh từ địa phương - là tiếng dùng riêng của mỗi địa phương. Như vậy, đối với trung ương thì các tỉnh, thành phố trực thuộc chắc chắn là địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay cho thấy, ở nhiều tỉnh, thành phố khi nói về các quận, huyện, thị xã cũng thường gọi là các địa phương và các quận, huyện, thị xã lại gọi các phường, xã, thị trấn là địa phương. Và với cách hiểu như trên thì quy định như trong dự thảo Hiến pháp là không ổn.

Vì, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào cũng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương. Cụ thể, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân cấp huyện không phải được bầu từ một đơn vị bầu cử, mà mỗi tỉnh, huyện có nhiều đơn vị bầu cử khác nhau. Ví dụ, Chủ tịch UBND huyện A là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thì tất nhiên ông chủ tịch này là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân huyện A là đúng. Nhưng đối với trường hợp ông Nguyễn Văn B là thủ trưởng của một cơ quan cấp tỉnh, có hộ khẩu thường trú tại thị xã và cũng là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, song ông này được bầu từ một đơn vị bầu cử ở huyện khác nơi ông ta cư trú… Vậy thì ông A là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nơi đã bầu ông ta làm đại biểu hay là người đại diện cho nhân dân địa phương nơi ông ta cư trú?

Do đó, tôi đề nghị Điều 117 được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương, nơi mình ứng cử, nơi mình ở và những nơi khác; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý Nhà nước. Và có như vậy đại biểu mới thật sự gần dân hơn, lắng nghe được nguyện vọng của nhân dân hơn.

Cũng xuất phát từ quan điểm này, tôi đề nghị điều chỉnh lại nội dung của Khoản 1, điều 84. Theo dự thảo, Khoản 1, Điều 85 có nội dung như sau: 1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu. Và theo quan điểm trên, tôi đề xuất sửa lại nội dung của khoản này như sau: 1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước, nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu và nhân dân ở địa phương nơi đại biểu cư trú.

Điều 122 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung hoàn toàn mới, với quy định như sau: 1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.

Theo quy định trên, Kiểm toàn Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được Hiến định là: “Thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện hành, khi ở đơn vị, địa phương nào đó để xảy ra vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công… thì Ủy ban kiểm tra của cấp ủy Đảng cấp trên hoặc Thanh tra Nhà nước hay Thanh tra ngành và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp… cũng có chung chức năng với kiểm tra, kiểm toán, thanh tra và các cơ quan này nếu cùng thanh tra, kiểm tra, kiểm sát một vụ việc thì theo kết luận của cơ quan nào có gia trị pháp lý?

Vì vậy, tôi đề xuất trong nội dung của Điều 122 cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cuối cùng là cơ quan nào và bản kết luận cuối cùng của đơn vị nào là có giá trị pháp lý để thực thi. Có như vậy mới tránh được sự chồng chéo và đồng thuận về quan điểm thực hiện thanh tra, cũng như xử lý sai phạm nếu có.

Văn Minh (Tân Lập, Đồng Phú)

  • Từ khóa
108228

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu