Thứ 5, 28/03/2024 22:47:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:53, 07/11/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Không đổi mới, sản xuất theo chuỗi, xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó

Thứ 5, 07/11/2019 | 14:53:00 152 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng nay 7-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu về các nhóm vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thương mại điện tử, phòng chống gian lận thương mại, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp…

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, vì vậy, Quốc hội đã có nghị quyết riêng về vấn đề này, tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế. Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nguyên nhân trách nhiệm về hạn chế và giải pháp trong thời gian tới.

Trước thực trạng hoạt động xuất khẩu của nước ta đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đại biểu Phan Viết Lượng đã đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để vượt qua khó khăn, thách thức.

Đại biểu Phan Viết Lượng chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Ở nội dung thứ nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu cũng như kỳ vọng. Nguyên nhân là do trình độ phát triển kinh tế và sự tương tác trong các quan hệ lẫn nhau với các nền kinh tế khác và lợi thế cạnh tranh nên phần lớn các ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu và chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách công nghiệp hỗ trợ, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội việc triển khai thực hiện các việc hoàn thiện cơ chế chính sách của chúng ta vẫn còn chậm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có ba nguyên nhân lớn vẫn còn đang vướng mắc, chưa gỡ hết. Thứ nhất là công tác về thị trường. Thứ hai, do điều kiện của doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận với tín dụng để phục vụ cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Thứ ba, các chính sách hỗ trợ khác về nguồn nhân lực cũng như đổi mới công nghệ và trình độ quản lý của các doanh nghiệp chưa có một cơ chế đủ mạnh trong các chính sách.

Về giải pháp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển; tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chế tạo; tiếp tục tranh thủ những điều kiện của các FTA và các hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, giải pháp căn cơ chính là xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ ở tại ba vùng để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận.

Ở nội dung chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong 9 tháng của năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng khoảng 8,4%. Tuy nhiên, ở đây, con số này chưa nói lên điều mà chúng ta rất cần đó là sự bền vững trong việc xuất, nhập khẩu, phát triển thị trường của chúng ta.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để giữ vững thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo vượt qua những hàng rào kỹ thuật đáp ứng được những yêu cầu của thương mại quốc tế hiện nay, nhất là gắn với các hàng rào kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Bộ trưởng nhấn mạnh, không phải là vấn đề xúc tiến thương mại hay vấn đề xử lý tranh chấp thương mại đơn thuần mà phải bắt đầu từ gốc của vấn đề, đó là hoạt động sản xuất, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp. Chính vì vậy, nếu không đổi mới mô hình, trong đó bao gồm chuỗi liên kết và vai trò của các hợp tác xã các sản phẩm từ nông nghiệp sẽ rất khó xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đã đến lúc phải tiến hành đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng về phát triển chiều sâu và gắn với những giá trị gia tăng và có sự tham gia vào các chuỗi ngày càng bền vững hơn.

Trần Thể

  • Từ khóa
31160

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu