Thứ 5, 25/04/2024 23:15:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:55, 09/08/2017 GMT+7

Không để “nhờn luật”

Thứ 4, 09/08/2017 | 07:55:00 95 lượt xem

BP - Ngày 2-8, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo để cung cấp những thông tin liên quan đến các lĩnh vực mà ngành phụ trách, trong đó có những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm như: Bất động sản, việc cấp giấy phép xây dựng... Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định: Nếu phạt mà cho tồn tại, thì mãi mãi không trị được công trình xây dựng sai phép.

Tình trạng công trình xây dựng không phép, sai phép ở nước ta tồn tại từ lâu, không chỉ là hiện tượng mà đã trở thành phổ biến, ở mức báo động, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Điển hình là vụ công trình xây dựng số 8B Lê Trực, Hà Nội. Theo giấy phép, công trình có chiều cao 53m, nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng thêm 16m, tương đương 5 tầng. Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng gần 30.000m2, nhưng chủ đầu tư đã tăng thêm hơn 6.000m2. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 275 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Tại Đà Nẵng, dư luận cũng bức xúc trước hàng loạt vụ việc liên quan đến xây dựng không phép, sai phép. Đó là các công trình xây dựng của dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, Tổ hợp khách sạn và căn hộ Central Coast, công trình cải tạo tại số 3 đường Phạm Hùng, quận Cẩm Lệ...

Điều đáng nói là hầu hết các công trình xây dựng xong hoặc cơ bản hoàn thành thì mới bị phát hiện, thậm chí có công trình ngay bên cạnh trụ sở UBND phường, phòng quản lý trật tự đô thị... nhưng “sự việc đã rồi”, người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính và được yêu cầu hợp thức thủ tục hồ sơ sao cho hợp lệ. Khi bị chất vấn, có lãnh đạo ngành chủ quản cho rằng, lực lượng kiểm tra mỏng, nếu phải buộc phá bỏ công trình vi phạm thì sẽ rất tốn kém, lãng phí tiền của nên chỉ xử phạt là xong!?

Bình Phước là tỉnh đang trong quá trình đô thị hóa diễn ra tương đối nhanh, trong đó có xây dựng các công trình nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới... Thế nhưng, số công trình làm thủ tục và được cấp phép xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp. Hầu hết người dân khi xây nhà không quan tâm đến việc làm thủ tục giấy phép xây dựng vì cho rằng thủ tục rườm rà, mất thời gian và thêm tốn kém. Xin lấy ví dụ: Năm 2016, ngành chức năng của thị xã Đồng Xoài đã kiểm tra lập biên bản xử lý hành chính 408 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là xây dựng không có giấy phép, sai nội dung giấy phép, xây dựng trên đất nông nghiệp... Tổng số tiền xử phạt trên 2,4 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, trên địa bàn thị xã Phước Long đã có 20 trường hợp xây dựng không phép, 7 trường hợp sai phép bị xử phạt tổng cộng hơn 234 triệu đồng...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chấp hành thực hiện quyết định xử lý hành chính đối với công trình xây dựng mới dừng lại ở việc nộp phạt. Mức xử phạt trong lĩnh vực này vẫn còn nhẹ, chưa mang tính răn đe, trong khi các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả hầu như chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã thiếu cương quyết trong xử lý buộc ngừng thi công xây dựng dẫn tới “nhờn luật”. Người viết cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân, đề xuất hình thức xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nhà nước trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, kể cả trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập thủ tục cấp phép trước khi xây dựng, kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, vì: Nếu phạt mà cho tồn tại, mãi mãi không trị được công trình xây dựng sai phép như đã nói ở trên.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108694

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu