Thứ 5, 25/04/2024 15:12:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:17, 06/12/2019 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

“Không để hộ nghèo bị bỏ lại phía sau”

Thứ 6, 06/12/2019 | 15:17:00 145 lượt xem
BP - Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ sở quan trọng, giúp các cấp lãnh đạo, ngành chức năng quan tâm, chăm lo đúng mức, đúng đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, việc điều tra, rà soát hộ nghèo đã và đang được huyện Bù Gia Mập triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Điều tra viên và trưởng thôn là trụ cột

Chị Phan Thị Như Thảo là cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo của xã Phú Văn và từ tháng 9 đến nay được Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo xã phân công kiêm điều tra viên 2 thôn Đắk Khâu và Thác Dài có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát, chị Thảo nắm được gia đình chị Thị Gia Pá thuộc hộ nghèo nhất của thôn Đắk Khâu. Không có đất sản xuất, vợ chồng chị hằng ngày đi làm thuê để nuôi 5 con và mẹ già. Những lúc rảnh rỗi, chị nhận hạt điều thô về bóc vỏ lụa nhưng thu nhập thấp. Được chị Thảo động viên, chị Gia Pá phấn khởi nói: “Mình rất vui khi được xã, thôn đến hỏi thăm và cho biết sẽ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, cho vay vốn làm ăn”.

Hộ chị Thị Dôr ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn (Bù Gia Mập) được các điều tra viên phát hiện hộ nghèo phát sinh để kịp thời có chính sách hỗ trợ vươn lên thoát nghèo

Hộ chị Thị Hạnh (1996), ngụ cùng thôn Đắk Khâu cũng thuộc diện khó khăn. Vợ chồng chị Hạnh cưới nhau đã 5 năm và có 2 con. Nhà ở tạm bợ, rách nát, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào ngày công làm thuê của chồng, còn chị Hạnh ở nhà chăm con. Đối với những gia cảnh như hộ chị Hạnh, việc điều tra kỹ, chi tiết sẽ giúp các cấp chính quyền, đoàn thể tìm ra hướng để hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. “Chồng em đi làm thuê lúc có việc, lúc không. Nhà mưa thì dột hết, tính mua tôn che lại nhưng chưa có tiền. Em cũng mong sớm được hỗ trợ làm nhà, vay vốn nuôi heo, gà để cải thiện  kinh tế” - chị Thị Hạnh nói.

Ngoài số hộ trong danh sách quản lý của xã, các điều tra viên đã kịp thời phát hiện số hộ nghèo phát sinh. Điển hình là trường hợp hộ chị Thị Dôr, ngụ thôn Đắk Khâu. “Chị Dôr đơn thân nuôi 2 con nhỏ, không có việc làm, cuộc sống thiếu thốn. Nếu điều tra lơ là, thiếu công tâm thì 3 mẹ con chị Dôr bị bỏ sót” - chị Thảo chia sẻ.

Để việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ thì vai trò, sự phối hợp chặt chẽ, công tâm, trách nhiệm từ xã đến thôn và nhất là không thể thiếu vai trò của Ban điều hành thôn. Hơn nữa, xã Phú Văn địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, ba trong 7 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, số hộ nghèo, cận nghèo thường biến động và trưởng thôn là người nắm rõ từng hộ. “Nhiều hộ khi tôi đến nhà, thấy đóng cửa, biết họ đi làm vài ngày mới về nên tôi phải canh thời gian. Có hộ, tôi phải đến 3-4 lần mới gặp được. Mình phải kiên trì, chịu khó” - ông Điểu Blách, Trưởng thôn Đắk Son 2 nói.

Huy động nguồn lực xã hội chăm lo hộ nghèo

Đầu năm 2019, xã Phú Văn còn 272 hộ nghèo, trong đó 139 hộ dân tộc thiểu số; 90 hộ cận nghèo. Hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo của năm 2019 vẫn đang tiếp tục. “Quan điểm của chính quyền là không làm hình thức, chiếu lệ, việc điều tra hộ nghèo, cận nghèo phải được thực hiện chặt chẽ, chính xác, khách quan, công tâm, dân chủ... Tất cả phải thực hiện đúng quy trình để không một hộ nghèo, cận nghèo nào bị bỏ sót” - bà Đặng Thị Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Văn chia sẻ.

Hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Bù Gia Mập vẫn còn ở mức cao, với 2.175 hộ/8.779 người, chiếm 11,79% tổng số dân toàn huyện. Thời gian qua, công tác chăm lo người nghèo được chính quyền huyện quan tâm đúng mức với nhiều cách làm sáng tạo, huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội vào cuộc. “Vấn đề quan trọng nhất là huy động các nguồn lực của xã hội. Hằng năm, ngoài nguồn vốn ngân sách, huyện đã huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chăm lo đời sống người nghèo. Sau 10 năm thành lập, huyện đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà cho hộ nghèo. Ngoài ra, huyện chú trọng huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua điều tra, rà soát lần này, huyện quyết tâm thực hiện chặt chẽ, không để sót bất kỳ hộ nghèo nào” - Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh khẳng định.

Quốc Phong

  • Từ khóa
63167

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu