Thứ 6, 29/03/2024 12:13:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 19:22, 15/11/2018 GMT+7

Không để các khoản thu ngoài học phí trở thành nỗi bức xúc của phụ huynh

Thứ 5, 15/11/2018 | 19:22:00 822 lượt xem
BPO - Tăng cường vai trò quản lý giáo dục hướng nghiệp, quan tâm ưu tiên nguồn lực, bảo đảm điều kiện chăm lo giáo dục mầm non, không để các khoản thu ngoài học phí là nỗi sợ, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh - đó là những nhóm vấn đề được Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh và đại biểu Phan Viết Lượng cho ý kiến trong phiên thảo luận sáng 15-11 tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Luật Giáo dục trình Quốc hội tại kỳ họp này đã sửa đổi nhiều quy định không còn phù hợp, không khả thi, bổ sung nhiều quy định để điều chỉnh các vấn đề phát sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn.

Luật quy định giáo dục phổ thông được chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp, nhưng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh, các nội dung trong mục giáo dục phổ thông chưa được thể hiện rõ nội dung giáo dục định hướng nghề nghiệp. Do vậy, cần phải được quy định cụ thể trong chương trình giáo dục tổng thể của quốc gia.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh thảo luậntại Hội trường Diên Hồng sáng 15-11

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, trong chương trình giáo dục, hướng nghiệp rất hình thức và quá ít, chỉ 9 tiết học trong một năm, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp thiếu và rất hạn chế, tất cả các trường trong cả nước không có giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp, thậm chí là kiêm nhiệm cũng không có. Trong khi xu hướng trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề. Trong luật sửa đổi lần này cần thể hiện được quan điểm, tư tưởng nâng cao nhận thức của xã hội và khẳng định với người học việc lựa chọn học nghề không phải là con đường cuối cùng, mà các em có thể học nghề, từ một người thợ, một người công nhân qua quá trình lao động rèn luyện, học tập nâng cao có thể trở thành một người thầy, một chuyên gia trong từng ngành nghề, lĩnh vực. Hiện nay, chúng ta chưa có các thông tin định hướng về các ngành, nghề mà xã hội đang cần hay dự báo về sự thiếu hụt của nguồn lao động. Vì vậy, vai trò định hướng của giáo dục hướng nghiệp cần được thể hiện rõ để can thiệp, điều tiết.

Đại biểu cho biết, các kênh thông tin hướng nghiệp khá đa dạng ở các trường đại học, trường nghề và được tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Thực tế các trường bao giờ cũng giới thiệu, tư vấn có lợi cho ngành nghề của trường tuyển sinh mà có thể thị trường lao động đã dư thừa, không cần đào tạo quá nhiều, nhưng áp lực tuyển sinh và duy trì sự phát triển của nhà trường trong điều kiện đẩy mạnh tự chủ sắp tới thì có thể sẽ tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu không đầy đủ. Vì thế nhà nước cần tăng cường vai trò quản lý giáo dục hướng nghiệp và phải được quy định cụ thể trong luật.

Quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục mầm non

Đánh giá cao việc bổ sung 2 nhóm chính sách liên quan đến miễn giảm học phí và nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non vào dự thảo luật, song đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cần rà soát, cân đối ngân sách nhà nước, điều chỉnh cơ cấu chi hợp lý, quyết tâm thực hiện miễn học phí phổ cập giáo dục trước năm 2020 theo Nghị quyết 20 của Trung ương.

Đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất ưu tiên nguồn lực cho giáo dục mầm non

Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị trước mắt ưu tiên nguồn lực, bảo đảm điều kiện chăm lo giáo dục mầm non, hỗ trợ người học thuộc diện chính sách, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong huy động, sử dụng tài chính đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho phát triển giáo dục, không để các khoản thu ngoài học phí là nỗi sợ, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, xã hội hóa giáo dục đem lại kết quả bước đầu nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, cần quy định nguyên tắc về điều kiện hoạt động xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục. Giao trách nhiệm chính cho chính quyền địa phương, không để nhà trường tham gia sâu vào hoạt động này làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục.

Về quản lý nhà nước về giáo dục, đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Trung ương, địa phương chủ trì, chịu trách nhiệm chính đối với các nhiệm vụ có tính đặc thù như việc tuyển chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên, việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Việc làm này nhằm bảo đảm sự chủ động, sáng tạo, kỷ cương, kỷ luật, dân chủ trong nhà trường, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi của người học, người dạy và xây dựng trường học thân thiện, lành mạnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo đánh giá tác động đến các đối tượng. Đồng thời, chỉ đạo một nhóm nghiên cứu về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Trần Thể

  • Từ khóa
24210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu