Thứ 7, 20/04/2024 08:47:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:37, 06/06/2019 GMT+7

Không đánh đồng với cây tầm gửi

Thứ 5, 06/06/2019 | 08:37:00 142 lượt xem
BP - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức đang lấy ý kiến về đề xuất bỏ quy định chế độ hợp đồng không thời hạn với viên chức, hay nói cách khác là bỏ chế độ “viên chức suốt đời”. Có nhiều ý kiến băn khoăn về đề xuất này, đặc biệt là hàng vạn giáo viên - số lượng viên chức nhiều nhất hiện nay.

Không ít thầy cô giáo cho rằng, nếu bỏ chế độ viên chức chuyển sang chế độ hợp đồng thì người làm thầy sẽ luôn trong tình trạng bất an, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, rộng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng của nền giáo dục. Một trong những nguyên nhân là khi đó hiệu trưởng sẽ nắm trong tay “quyền sinh, quyền sát” với giáo viên. Thoạt nghe ý kiến này là xác đáng, song phân tích kỹ còn rất nhiều điều cần làm sáng tỏ.

Ở góc độ khoa học, không thể (không nên) có chức danh nào được bổ nhiệm suốt đời. Vì cuộc sống luôn đổi thay, yêu cầu đặt ra luôn thay đổi, bản thân chủ thể chức danh cũng thay đổi, không có gì bảo đảm ai đó hay chức danh nào mãi mãi đạt yêu cầu nhiệm vụ. Những chức danh có yêu cầu rất cao mới được bổ nhiệm như các chức danh tư pháp hiện nay cũng chỉ được bổ nhiệm có thời hạn, hết thời hạn phải xem xét bổ nhiệm lại - hay nói cách khác là sát hạch định kỳ để xem có còn đủ điều kiện với chức danh đó hay không.

Ở góc độ thực tiễn, không riêng ngành giáo dục mà nhiều lĩnh vực khác cũng xảy ra tình trạng người đứng đầu, người quản lý “bó tay” đối với viên chức, công chức năng lực yếu, trách nhiệm kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một trong số đó là để có đủ điều kiện cho thôi việc họ phải có hoặc hội tụ đủ nhiều điều kiện, như 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, bị phạt tù không được hưởng án treo, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng, nghiện ma túy… Cho thôi việc một công chức, viên chức không dễ và thực tế hằng năm số lượng bị buộc thôi việc rất ít so với tổng số viên chức, công chức hiện nay. Với ngành giáo dục, một bộ phận giáo viên đã ỷ lại hoặc không nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình trong điều kiện ràng buộc cho thôi việc như thế. Đây cũng là một trong những “nỗi niềm” của các hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục hiện nay.

Giả sử bỏ quy định chế độ hợp đồng không thời hạn, đối với quyền lực của hiệu trưởng, tiêu cực hay không do cách thức, phương pháp, quy định, chế tài trong việc ký hợp đồng, ký hợp đồng lại với giáo viên. Hiệu trưởng hiện cũng được bổ nhiệm có thời hạn và năng lực, phẩm chất của hiệu trưởng phụ thuộc vào việc bổ nhiệm, giám sát, quản lý của cơ quan có thẩm quyền - một vấn đề khác.

Việc sàng lọc định kỳ sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn, tạo động lực để giáo viên không ngừng nâng cao năng lực. Từ đó cũng sẽ đào thải, không còn chỗ đứng cho người năng lực yếu, trách nhiệm kém. Ngược lại, người có năng lực sẽ được trọng dụng, thu nhập xứng đáng hơn thay vì cào bằng như hiện nay. Hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục, muốn đơn vị mình có chất lượng hơn, uy tín hơn, sẽ phải tìm cách phát huy, giữ chân người giỏi.

Có thể thấy bỏ chế độ hợp đồng vô thời hạn sẽ là tiền đề, là điều kiện cần thiết đầu tiên để loại bỏ trường hợp “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; “chân ngoài dài hơn chân trong”, “cha chung không ai khóc”... Không riêng ngành giáo dục, mà tất cả ngành khác, bỏ công chức hay viên chức suốt đời rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là mong mỏi của công chức, viên chức có năng lực, có trách nhiệm thật sự. Bởi không ai muốn bị “nhốt chung một rọ”, bị đánh đồng với những “cây tầm gửi”.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu