Thứ 6, 29/03/2024 05:49:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:58, 08/10/2014 GMT+7

Không còn là lời cảnh báo

Thứ 4, 08/10/2014 | 10:58:00 124 lượt xem
BP - Khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin táo Trung Quốc để 9 tháng, lê để 5 tháng vẫn không hư, ngày 29-9, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng khẳng định đó là điều bình thường. Tuy nhiên, không ai có thể yên tâm được với “điều bình thường” mà ông cục trưởng đã khẳng định.

Trong khi các bà nội trợ đang hoang mang không biết làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình thì cách đây 3 ngày, VTV1 lại tiếp tục thông tin về công nghệ biến thịt thối thành thịt tươi ngon chỉ sau... 5 phút nhờ một loại hóa chất có tên “săm pết” của Trung Quốc. Phóng viên VTV1 đã cầm trên tay 2 miếng thịt heo để hỏi những bà nội trợ và không một ai trả lời được đâu là miếng thịt ôi thối được “tắm” hóa chất! Như vậy thì Bộ Y tế bị “đo ván” rồi! Bởi theo hướng dẫn của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): “Thịt heo tươi có màng ngoài khô, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mùi vị bình thường, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô...”. Nhưng ngay cả những người bán thịt chuyên nghiệp cũng không biết đâu là thịt từng bị ngâm hóa chất thì làm sao người tiêu dùng phân biệt được!?

Chúng ta đang bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn. Mở bất cứ trang báo nào cũng tràn ngập những lời cảnh báo. Từ các loại thịt hoặc nội tạng súc vật, hải sản ươn thối được “phù phép” thành đặc sản đến các loại trái cây để cả 9 tháng trời không hư. Rồi nước lẩu không cần xương, “công nghệ” biến gà công nghiệp thành gà đồi béo ngậy nhờ... bột sắt, hầm xương “siêu tốc” nhờ bột tẩy rửa hầm cầu, heo tai xanh làm chả, ruốc, khô mực được làm từ cao su... Nhưng cảnh báo cứ cảnh báo, người ăn cứ ăn.

Có lẽ người Việt chúng ta là dân tộc dễ dãi nhất trong việc ăn uống. Các phóng viên báo chí, truyền hình đã phải liều mình để quay được cận cảnh những thước phim sống động về con đường vận chuyển cũng như quy trình biến tất cả những thực phẩm ôi thối thành đặc sản. Thế nhưng từ quán xá vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, trai thanh gái lịch vẫn chen nhau gặm cánh gà, chân gà và thưởng thức nội tạng nướng, dù từng đọc báo hoặc nghe đài rằng, chân gà, dạ dày heo mốc xanh sau khi được tẩy rửa bằng thuốc ướp xác lại trở nên trắng đẹp. Truyền hình đưa rất nhiều hình ảnh rùng mình về hậu quả của việc ăn phải thực phẩm nhiễm sán heo, sán chó, cúm gà... nhưng tại các quán nhậu, người ta vẫn vô tư cụng ly bên những bát tiết canh sống sít, nhiễm bẩn và đầy độc tố. Rồi rượu chẳng cần theo quy trình lên men, chưng cất truyền thống, chỉ cần có mùi men là có thể “trăm phần trăm” rồi!

Mỗi khi nhập tiệc ở đâu đó, người viết bài này cũng tham gia bình phẩm về những đồ ăn, thức uống không an toàn, thậm chí rất độc. Nhưng rồi vẫn phải ăn, bởi không thể ngồi trong bàn tiệc mà chỉ ngậm đũa. Trong thâm tâm vẫn nghĩ, không thể chết ngay hoặc sẽ là ai đó chứ không thể là mình. Cái sự “AQ” bản thân ấy đang che lấp một thực tế là người Việt đang bị đầu độc hằng ngày, trên diện rộng. Nó không còn là lời cảnh báo mà đã trở thành thảm họa quốc gia về nguy cơ làm suy thoái nòi giống Việt!      

L.T

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu