Thứ 4, 24/04/2024 21:23:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:25, 24/10/2016 GMT+7

Không có gì khó khi người dân đồng lòng

Hà Nam
Thứ 2, 24/10/2016 | 06:25:00 802 lượt xem
BP - Tính tình vui vẻ, dễ gần, giọng nói trầm ấm là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh Điểu Thanh, Trưởng thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng). Làm trưởng thôn từ năm 31 tuổi, đến nay đã qua 4 nhiệm kỳ, chưa khó khăn nào khiến anh nhụt chí. Hình ảnh một trưởng thôn trẻ, năng động trong làm kinh tế, gương mẫu nuôi dạy con, luôn nghĩ cách giúp đồng bào có cơm ăn, nhà ở, bỏ dần tính ỷ lại khiến ai cũng nể phục.

KHI NGHỊ QUYẾT HỢP LÒNG DÂN

Năm 2008, được người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Sơn Hòa, lúc đó anh Điểu Thanh mới 31 tuổi. Làm thủ lĩnh của một thôn có 87% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo, thiếu gạo, thiếu đất sản xuất chiếm đa số. Là người dân tộc bản địa, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nên anh hiểu đâu là nguyên nhân khiến đồng bào mình nghèo. Trưởng thôn Điểu Thanh bắt đầu từ việc đặt ra những quy ước để cả thôn cùng thực hiện như: đám tang không để quá 3 ngày, cưới hỏi không đòi của, bắt rể, không giết trâu, bò ăn uống linh đình gây lãng phí, thanh niên không tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá... Ban đầu nhiều người nghi ngờ một trưởng thôn trẻ như anh thì chẳng thể thay đổi được phong tục đã tồn tại qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Đến nay, anh Điểu Thanh có thể tự hào khoe 80% số hộ đồng bào đã bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, tất cả là nhờ sự khéo léo vận động kết hợp với các hội đoàn thể cùng thực hiện.

Anh Điểu Thanh (thứ 2, bên phải qua) nói ít nhưng làm giỏi, được người dân tin tưởng, quý mếnAnh Điểu Thanh (thứ 2, bên phải qua) nói ít nhưng làm giỏi, được người dân tin tưởng, quý mến

Anh Điểu Thanh xác định, trưởng thôn phải vừa động viên người dân phát triển sản xuất vừa bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội đến với đồng bào DTTS. Phải thực hiện sao cho công bằng, tránh xảy ra mâu thuẫn trong dân. “Từ các chỉ tiêu nghị quyết của xã, tôi đều cụ thể hóa bằng việc làm, phải làm cho người dân thấy được tiền họ đóng góp là phục vụ chính bản thân họ. Năm 2014, thôn sửa tuyến đường dài 3km, kinh phí hết 150 triệu đồng; tiếp đó là tuyến đường cấp phối sỏi đỏ dài 3km, kinh phí 239 triệu đồng đều do người dân tự đóng góp. Tinh thần đoàn kết còn thể hiện trong việc người dân “gánh” cho nhau các khoản đóng góp. Hộ khó khăn chỉ phải đóng một nửa số tiền quy định, phần còn lại chia đều cho các hộ trong thôn. Tuyến đường được làm khang trang, rộng rãi ai cũng ưng vì ổ voi, ổ gà đã được san lấp, học sinh đi học không lo đường khó, nông dân chở nông sản từ rẫy về không sợ ngã vì trơn trượt” - anh Điểu Thanh phấn khởi.

CHỈ TIÊU MỖI NĂM XÓA 2 HỘ NGHÈO

Thôn Sơn Hòa hiện có 239 hộ, trong đó 210 hộ đồng bào DTTS. Mặc dù đời sống người dân có nhiều khởi sắc, số hộ làm kinh tế giỏi ngày một nhiều nhưng Trưởng thôn Điểu Thanh vẫn canh cánh nỗi lo vì cả thôn còn 12 hộ nghèo. Các hộ này đều thiếu đất ở, đất sản xuất. Mỗi năm phải tập trung xóa 2 hộ nghèo là chỉ tiêu đặt ra sau khi họp dân cùng thống nhất. “Nếu cả thôn đồng lòng, đoàn kết thì chẳng bao lâu thôn Sơn Hòa sẽ không còn hộ nghèo” - anh Điểu Thanh nói vui.

Trước đây việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân trong thôn chỉ phó mặc vào tự nhiên nên năng suất cây trồng không cao. Bên cạnh tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc điều của gia đình, anh còn đến tận vườn, hướng dẫn người dân trồng xen các loại cây, trẻ hóa vườn điều bằng cách ghép chồi... Nhờ cách làm này mà các hộ Điểu Tang, Điểu Nghĩa... có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. “Cứ như thế này mục tiêu phấn đấu tăng thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/người/năm lên 30 triệu đồng/người/năm trong năm 2016 của thôn Sơn Hòa sẽ trong tầm tay” - ông Đểu Sơn khẳng định.

Mới đây, chuyện anh Điểu Thanh vận động các nhà hảo tâm xây 1 căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, 1 căn nhà đại đoàn kết 25 triệu đồng và 2 nhà vệ sinh cho hộ nghèo trị giá 10 triệu đồng ai cũng nhớ. “Nhà tôi có vài sào đất nhưng bỏ không nhiều năm. Trưởng thôn Điểu Thanh tới tận nhà tôi khuyên phải chăm chỉ làm ăn mới no cái bụng, con cái được học chữ. Nghe thế, năm 2010 tôi đến Hội Nông dân xã xin 200 cây điều giống về trồng, nay đang cho thu hoạch năm thứ 4. Hết vụ điều vợ chồng tôi đi làm thuê dành dụm cho con đi học. Gia đình tôi đã làm đơn xin thoát nghèo” - chị Thị Thy nói.

Mùa điều hằng năm, trong thôn có nhiều học sinh bỏ học theo cha mẹ đi làm rẫy. Các hội đoàn thể và thầy cô giáo tới nhà vận động nhưng tỷ lệ học sinh quay lại trường không cao. Năm 2014, thôn có 12 học sinh bỏ học giữa chừng, nhưng chỉ vận động được 7 em trở lại lớp. Với trường hợp các em không đi học lại, trường phối hợp với thôn tổ chức cho các em học bổ túc vào buổi tối. Quỹ khuyến học thôn do hội cha mẹ học sinh đóng góp, trao hàng chục suất học bổng mỗi năm cho học sinh khó khăn, học giỏi.

  Nghe ở đâu có xích mích, vợ chồng mất hòa khí, dù ngày hay đêm Trưởng thôn Điểu Thanh cũng tìm đến, kiên nhẫn lắng nghe và giải quyết các vụ việc mâu thuẫn nên làng xóm yên bình, ít phải đưa ra giải quyết bằng pháp luật. Theo nhẩm tính, có đến trên 70 vụ xích mích được anh hòa giải thành công. Ngoài ra, thông qua những buổi họp dân, sinh hoạt văn hóa, anh Điểu Thanh lồng ghép các nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, hậu quả của nạn tảo hôn qua các câu chuyện, vở kịch ngắn để người dân dễ hiểu. “Mình học theo Bác là vậy đó, làm những việc có lợi cho dân, yêu dân như chính người thân trong gia đình, khi người dân đoàn kết, đồng lòng thì có việc gì mà không xong” - anh Điểu Thanh cho biết.

  • Từ khóa
16692

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu