Thứ 4, 24/04/2024 17:11:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:48, 08/06/2016 GMT+7

Không chủ quan với bệnh dại

Thứ 4, 08/06/2016 | 09:48:00 90 lượt xem
BP - Mùa hè đã đến, việc phòng bệnh dại do bị súc vật cắn là rất quan trọng và không thể chủ quan.

Mỗi hộ nuôi chó, mèo phải tiêm phòng, đồng thời không được để chó chạy rông ra đường. Ngày 31-5-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện rà soát, thống kê đàn chó, mèo và lập danh sách, hồ sơ quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Ngành thú y phải tổ chức thực hiện tiêm phòng bệnh dại, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại năm 2016 phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn chó, mèo. Tại khu vực đông dân cư và các xã có ổ dịch cũ, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100%.

Bệnh dại do virus gây ra, thường lan truyền ở tất cả loài động vật máu nóng như chó, mèo, các loài động vật hoang dã khác, bao gồm cả con người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm và gây tử vong khi mắc phải. Sự nguy hiểm của bệnh dại tiềm ẩn trong nước dãi của chó, mèo hoặc các loài động vật khác. Các virus này lây truyền bệnh qua vết xước, vết cắn, nó len lỏi trong các tế bào cơ bắp và sau đó lây lan đến các sợi thần kinh, gây rối loạn hệ thần kinh trung ương não bộ dẫn đến viêm não, liệt não làm con vật trở nên điên dại và chết. Loại virus này có thể mất đến 1 tháng để phát triển nhưng một khi virus phát bệnh thì rất nhanh chóng.

Chó, mèo là vật nuôi khá quen thuộc và gần gũi trong mỗi gia đình, nguy cơ bị chó, mèo cắn hoàn toàn có thể xảy ra khi con người tiếp xúc hoặc đùa giỡn với chúng. Sẽ rất nguy hiểm nếu như những con vật đó chưa được tiêm phòng, mang trong mình virus bệnh dại. Những năm gần đây, mặc dù chính quyền và cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chưa nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh dại, không tiêm phòng cho vật nuôi. Nhiều hộ nuôi chó thả rông chạy ra đường làm mất an toàn giao thông, khi chó bị phát dại sẽ tấn công người rất nguy hiểm. Cá biệt có một số trường hợp khi bị chó, mèo cắn nhưng không đi tiêm phòng, dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 cả nước có 394.189 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng và đã có 78 người tử vong. Cả nước hiện có hơn 9 triệu con chó nhưng tỷ lệ tiêm phòng mới chỉ đạt 42,9%. Tỉnh Bình Phước năm 2015 có tổng 240.304 con chó nhưng tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp (12,58%). Toàn tỉnh năm 2015 có 2.392 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng và đã có 4 người tử vong.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo 2016 phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; toàn dân phòng, chống bệnh dại và tuân thủ các quy định trong quản lý đàn chó, mèo nuôi; đẩy mạnh tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng thú y trong phòng, chống dịch bệnh. Phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dại; đồng thời tự giác đưa vật nuôi đến các cơ sở thú y tiêm phòng và kiên quyết không để chó chạy rông ngoài đường.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu