Thứ 6, 26/04/2024 00:09:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:13, 17/10/2019 GMT+7

Không chỉ lấy lại sự tôn nghiêm của pháp luật

Thứ 5, 17/10/2019 | 08:13:00 200 lượt xem
BP - Ngày 15-10, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang năm 2018, bị cáo Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng Đội giáo dục Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang), bị truy tố hành vi “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, đã một mực khai “không nghĩ mình sai phạm” mà chỉ là... “tôi muốn tạo phúc cho người ta”. Điều này đã khiến nhiều người bất ngờ.

Lẽ thường, trong trường hợp này khó có thể tin một sĩ quan công an lại “tạo phúc” theo cách đó. Bởi, tạo phúc như thế cho người này, vô tình sẽ mắc oán với một người khác bị lấy mất cơ hội bước chân vào đại học. Trong số nhiều lý do bị cáo Lê Thị Dung khai trước tòa sáng 15-10 về việc liên quan đến những thí sinh được gian lận điểm, có những lý do đến chú Cuội trong truyện cổ tích cũng phải ngả mũ bái phục.

Đó là việc một người trú ở tận... Thanh Hóa, tình cờ gặp Dung ở Bệnh viện Bạch Mai, nhờ nâng điểm cho con trai, Dung đã giúp. Một trường hợp khác cũng ở tận... Thanh Hóa, Dung cũng giúp, vì đó là... người thân của gia đình thông gia. Một trường hợp làm nghề lái xe, một trường hợp làm nhân viên nhà hàng, Dung giúp vì Dung hay tới nhà hàng này ăn, “thấy cháu ngoan ngoãn, lễ độ” nên làm phúc... Hoặc không biết sao Dung “nhờ nâng điểm” đến 20 thí sinh, trong đó nhiều trường hợp ở tận Thanh Hóa nhưng lại tham gia thi tại Hà Giang.

Trả lời trước tòa, biện minh cho mình thì như vậy nhưng khi được hỏi để làm rõ những điều khó có thể tin được, Dung lại tỏ ra “ngây thơ” kiểu như không biết vì sao thí sinh ở Thanh Hóa nhưng lại đến Hà Giang thi, chỉ biết muốn thi thì phải đủ điều kiện(!), trong khi trước đó đã thừa nhận nhiều lần tham gia công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Hay vì sao không làm trong ngành giáo dục, nhưng lại được nhiều người ngoài xã hội nhờ gian lận điểm, Dung trả lời “không biết tại sao”...

Người Việt có câu thành ngữ “Nói phải củ cải cũng nghe”. Trong cuộc sống hằng ngày, lời nói giao tiếp với nhau cũng đã có vai trò rất quan trọng. Trong công việc, lời nói với nhau có thêm giá trị về việc giải quyết một vấn đề mang tính bắt buộc. Còn trước pháp đình, lời nói liên quan đến sự khẳng định đúng - sai, thậm chí liên quan đến sinh mệnh.

Trước phiên tòa, lại là phiên tòa được cả nước quan tâm, phiên tòa “hot” như vậy, Lê Thị Dung có thể khai một cách khó tin thế, cũng là... can đảm. Bởi đến lúc này, khi cơ quan điều tra thu thập được bằng chứng rõ mười mươi, đứng trước vành móng ngựa, Lê Thị Dung vẫn giữ vững lập trường, giữ vững quan điểm “không nghĩ mình sai phạm”, chỉ là “muốn tạo phúc cho người ta” mà thôi, quả đáng nể.

Không loại trừ khả năng từng có sai phạm hàng loạt những năm học trước, đã có mánh khóe, kinh nghiệm và có sự chuẩn bị từ trước khi kỳ thi diễn ra rất lâu mới có thể đưa thí sinh từ tỉnh Thanh Hóa về tỉnh Hà Giang thi, trong đó có thí sinh gian tới 29,5/30 điểm tối đa quả là liều lĩnh. Và với mức độ “bất khuất” như Lê Thị Dung, vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang càng cần phải được làm nghiêm hơn, quyết liệt hơn, nhất là sau khi dư luận đặt rất nhiều câu hỏi về việc còn nhiều điều chưa sáng tỏ, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang.

Vụ án cần được xử lý nghiêm minh, không chỉ lấy lại sự tôn nghiêm của pháp luật, mà còn góp phần lấy lại uy tín của ngành giáo dục, nếu không sự mất niềm tin không chỉ ở phạm vi tỉnh Hà Giang, mà có lẽ sẽ lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu