Thứ 6, 19/04/2024 04:15:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:43, 07/09/2017 GMT+7

Không chỉ là pháp luật

Thứ 5, 07/09/2017 | 08:43:00 108 lượt xem
BP - Bộ Công thương vừa công bố và đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Mức phạt vi phạm hành chính đề xuất tại dự thảo có thể làm thay đổi rất lớn đời sống của 95 triệu người dân Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm... Dự thảo cũng quy định mức phạt tiền tối đa mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, trừ một số trường hợp quy định.

Nếu nghị định được ban hành đúng với đề xuất của Bộ Công thương thì đây sẽ là những quy định mạnh tay nhất đối với vấn đề an toàn thực phẩm từ trước tới nay. Sẽ bị phạt từ 70-100 triệu đồng nếu sản xuất, chế biến thực phẩm từ “động vật chết không rõ nguyên nhân”. Có lẽ, khi nghị định được thi hành, cụm từ trong ngoặc kép này sẽ khiến rất nhiều tiểu thương phải lo lắng, không chỉ với gian thương mà với cả người không phải gian thương. Các quán ăn, quán nhậu, tiệm cơm, quầy bán đồ ăn đã sơ chế... phải hết sức thận trọng. Bởi thịt heo mua ở chợ về, hoặc một con cá, một con tôm bị chết, để kết luận được chính xác nguyên nhân, hẳn không đơn giản. Nói cách khác, chỉ có cơ quan chuyên môn mới có đủ thiết bị và thẩm quyền kết luận điều đó. Chủ quán, chủ tiệm chỉ có thể phỏng đoán theo kinh nghiệm và chờ đợi kết quả xét nghiệm mà thôi.

Phân tích kỹ điều này để thấy sự rắc rối, phức tạp của vấn đề. Các tiểu thương, chủ quán, chủ tiệm, chủ doanh nghiệp hãy cẩn thận, đừng lỡ tiếc một con tôm, con cá vừa ngửa bụng trong chậu đem xay làm cá viên chiên hay chiên nguyên con để bán cho khách hàng, coi chừng có thể bị phạt từ 70-100 triệu đồng.

Dự thảo nghị định còn đề xuất: Phạt tiền bằng 100-120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng nhưng không vượt quá 100 triệu đồng. Phạt tiền bằng 120-150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta đã được báo động từ rất nhiều năm qua nhưng chưa tìm ra giải pháp triệt để. Dù dường như muộn màng và có thể có điều khoản còn chưa rõ ràng hoặc tạo kẽ hở cho người được giao thực thi thoái hóa biến chất, song với nghị định nếu được ban hành và thực thi, chắc chắn sẽ tạo nên một sự thay đổi rất lớn không chỉ pháp luật mà còn với cả nếp sinh hoạt và văn hóa ẩm thực của cả những người trong chuỗi cung cấp lẫn người dân tiêu thụ sản phẩm. Xem ra thói quen “làm liều” xưa nay của một bộ phận đông đảo nông dân, tiểu thương và cả doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải thay đổi.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu