Thứ 6, 29/03/2024 04:17:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:40, 01/10/2013 GMT+7

(Kính viếng hương hồn NGND - GS Hoàng Như Mai)

Bao dung và trong sáng

Thứ 3, 01/10/2013 | 08:40:00 526 lượt xem

Chuẩn bị đi công tác, tôi nghe NGƯT Nguyễn Ngọc Ký báo tin, thầy Hoàng Như Mai bị ngã, chấn thương, đang nằm trong Bệnh viện quân y 175. Tôi vội vàng vào thăm Thầy. Đứng trước cửa khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng tôi không vào thăm Thầy được. Các bác sĩ nói rằng, GS rất mệt, phải thở bằng bình oxy, nên cần được yên tĩnh, điều trị. Tôi đành phải ra về. Hôm sau, trước khi ra sân bay, tôi lại vào thăm Thầy. 

Cố NGND - GS Hoàng Như Mai

Thầy nằm đó, mắt nhắm nghiền. Đã bước vào tuổi 95, thân hình Thầy héo hắt như một tàu lá khô. Duy chỉ có bàn tay vẫn mềm mại, nóng ấm. Nhận ra giọng nói của tôi, Thầy mở mắt dõi nhìn. Ánh mắt Thầy vẫn ấm áp, sáng trong toát lên sự bao dung, che chở. Xúc động mạnh, tôi chẳng nói nên lời. Trái lại, giọng thầy Mai vẫn trầm ấm.

Thầy hỏi thăm chuyện gia đình tôi và như mọi lần không quên nhắc tôi phải tiếp tục viết về những người lính Bộ đội Cụ Hồ, một mảng đề tài mà Thầy luôn quan tâm, trăn trở. Tôi đứng lặng bên Thầy và nhớ lại những kỷ niệm một thời. Dạo ấy, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính trận chúng tôi được quân đội cử đi học đại học. Tôi thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. GS Hoàng Như Mai dạy chúng tôi về Văn học Việt Nam. Đã nghe danh Thầy từ lâu, nên chúng tôi háo hức mỗi khi gặp Thầy. Là một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, lại có thời làm nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, nên giờ giảng nào của Thầy cũng có sức hút kỳ lạ. Cuối khóa học, tôi có may mắn được Thầy hướng dẫn viết luận văn tốt nghiệp. Tôi nhớ mãi lần ấy đến thăm Thầy ở ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong phố Phó Đức Chính (TP Hồ Chí Minh). Sau khi nghe tôi trình bày, Thầy nói: Anh là bộ đội, bấy lâu nay gắn bó với người lính và đang viết về người lính. Hãy chọn đề tài về người lính mà viết. Cuộc chiến tranh giúp bạn làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia có nét độc đáo lắm. Có lẽ, trên thế giới này, chẳng nơi nào có được. Anh thử suy nghĩ xem.

Từ gợi mở của Thầy, tôi đã chọn đề tài Chân dung người lính tình nguyện trong thơ chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia làm luận văn tốt nghiệp. Mấy tháng viết luận văn, có dịp gặp Thầy nhiều hơn, tôi mới hiểu thêm về một người Thầy đáng kính của biết bao thế hệ học trò. 

Sinh ra ở Phủ Lạng Thương, năm 1939, vừa tròn 20 tuổi, thầy Hoàng Như Mai đỗ tú tài (ban Triết) và vào học Trường Cao đẳng Y khoa, Trường Cao đẳng Luật khoa. Tháng 8 năm 1945, Thầy tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Năm 1946 - 1947, Thầy tham gia Đoàn kịch Độc Lập, lưu diễn ở các tỉnh miền Trung để tuyên truyền, cổ động nhân dân ta kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, Thầy được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên, sau đó làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Thanh, tỉnh Thái Bình. Từ đó, suốt 70 năm liên tục Thầy gắn bó với sự nghiệp giáo dục cho đến trọn đời. Năm 1982, Thầy được Nhà nước phong chức danh Giáo sư; năm 1990 được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Khi tuổi cao không trực tiếp đứng lớp, Thầy làm Hiệu trưởng danh dự cho Trường Đại học dân lập Văn Hiến, Trung học phổ thông dân lập Trương Vĩnh Ký. Thầy còn là tác giả của nhiều bộ sách nghiên cứu văn học nghệ thuật và là người sáng lập và trực tiếp làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi chưa trọn chuyến công tác, thì được tin GS Hoàng Như Mai ra đi về cõi vĩnh hằng. Từ sân bay, tôi chạy đến bên Thầy. Thầy nằm đó, nét mặt thật thanh thản, như đang ngủ. Tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Ký và các thế hệ học trò của Thầy đang quây quần bên linh cữu Thầy. Người sinh viên đặc biệt của Thầy cách đây gần nửa thế kỷ Nguyễn Ngọc Ký tâm sự: “Không có thầy Hoàng Như Mai thì không có Nguyễn Ngọc Ký của ngày hôm nay. Tôi biết ơn Thầy lắm. Đối với tôi, Thầy như một Tiên ông”. Mới đây, tôi đã đọc cuốn tự truyện thứ hai của anh Nguyễn Ngọc Ký-cuốn Tôi đi học đại học. Thầy giáo hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp đại học cho anh-thầy Hoàng Như Mai chính là người viết lời tựa cho cuốn tự truyện đó. Phải chăng, đây là một trong những dòng lưu bút, những tác phẩm cuối cùng của NGND-GS Hoàng Như Mai?

Khi bài viết này đến với bạn đọc, GS Hoàng Như Mai đã trở về với lòng đất Mẹ. Thầy ra đi thanh thản, an nhiên tự tại như Thầy từng viết: “Chúng ta trí thức đi theo Đảng/ Nào có khi nào tính thiệt hơn/ Việc làm ngay thẳng, lòng trong sáng/ Sống giản đơn và chết giản đơn”.

Xin vĩnh biệt Thầy - NGND - GS Hoàng Như Mai, một trong những cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà - một tấm lòng bao dung và trong sáng.

(Theo QĐND)

  • Từ khóa
46855

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu