Thứ 7, 20/04/2024 02:39:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:13, 27/12/2016 GMT+7

Không chỉ là một đêm Noel

Thứ 3, 27/12/2016 | 10:13:00 333 lượt xem

BP - Những năm gần đây, lễ Noel đã không chỉ là của người theo đạo công giáo. Nó đã được “xã hội hóa”, trở thành một hoạt động văn hóa được hầu hết cộng đồng quan tâm. Không khí Noel cũng hiện diện ở các khu phố sầm uất đến từng ngóc ngách nông thôn, công sở, trường học, từng gia đình... Một trong những điểm nổi bật trong đêm Noel năm nay tại nhà thờ Đồng Xoài là hình nhân ông già Noel cao khoảng 15m được trang trí bộ quần áo màu đỏ đặc trưng đã lôi cuốn hàng ngàn trẻ em và các bà mẹ trẻ tới gần để chiêm ngưỡng và... chụp hình. Nhiều sáng tạo trong làm hang đá cũng như tổ chức hoạt động ở các nhà thờ khác góp phần làm cho đêm Noel vui hơn, đẹp hơn. Thế nhưng năm nay, đêm Noel cũng cho thấy rất nhiều “thói hư tật xấu” của người Việt và rất cần sự định hướng của những người làm công tác văn hóa.

Đầu tiên là vấn đề... thời tiết. Ở thị xã Đồng Xoài, đêm Noel năm nay không có không khí se lạnh như mọi năm. Thời tiết dịu mát cũng là dịp các cô gái trẻ mặc đồ “mát mẻ” hơn khi ra đường. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều thiếu nữ mặc quần soọc “5cm”, áo dây khoe vẻ đẹp đầy đặn của tuổi đôi mươi cũng len lỏi vào trong giáo đường nhà thờ Đồng Xoài nghe cha xứ giảng đạo, nghe hát thánh ca. Đó là những thiếu nữ không theo đạo công giáo, đi chơi cho biết nhà thờ làm gì trong đêm Noel. Đáng tiếc hơn nữa, có trường hợp tín hữu công giáo thay vì nhắc nhở, quá “ngứa mắt” với hình ảnh đó, đã buông những ánh mắt, thậm chí lời lẽ không hay. Nhiều người còn chen lấn, leo lên bàn đứng cho cao hơn ngay trong giáo đường. Không biết, khi đứng trên bàn để nghe, để nhìn, liệu có thể thẩm thấu được cái đẹp trong lời giảng kinh thánh của đức cha?

Đêm Noel tại nhà thờ Đồng Xoài cũng xuất hiện một ông già Noel “bằng xương bằng thịt”, vui nhộn tặng quà cho trẻ em. Quà tặng chỉ là một cây kẹo mút, mang ý nghĩa tượng trưng và vui là chính. Rất tiếc, có một số bậc cha mẹ lại không ý thức được điều đó, để con em mình bu lại xin quà. Một bạn đọc quá bức xúc đã điện thoại đến đường dây nóng của Báo Bình Phước “đề nghị nhà báo lên tiếng” để lên án hành vi thiếu văn hóa bất ngờ xịt bọt tuyết vào mặt người khác. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm nay nhiều thanh niên đem theo chai xịt bọt tuyết (10.000 đồng/ chai) đi chơi đêm Noel. Hệ quả là ở nơi công cộng, không ít người bất ngờ bị xịt bọt tuyết thẳng vào mặt. Nhiều thiếu nữ bị xịt kín người chỉ biết ôm mặt khóc, trẻ em hoảng sợ la hét...

Lễ giáng sinh đang dần dần trở thành một nét văn hóa của cộng đồng người Việt. Đây là sự tiếp biến văn hóa, là kết quả tất yếu của quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau. Không khó lý giải khi sự tiếp biến văn hóa đó đã dẫn tới những biến đổi nhất định so với “nguyên bản”. Quan niệm và hoạt động trong ngày lễ giáng sinh ở các nước có tôn giáo chính là công giáo chắc chắn sẽ khác với ở Việt Nam, thậm chí rất khác. Ví dụ như ở Việt Nam, trong ngày giáng sinh có một hoạt động hiếm thấy ở cộng đồng công giáo các nước khác, đó là “thả ga”... ăn thịt cầy.

Ở góc độ quản lý, sự tiếp biến văn hóa này không đơn thuần là chuyện riêng của mỗi cá nhân hay chỉ dành cho lớp trẻ, cũng không đơn thuần là chuyện vui chơi, giải trí, mà rất cần một sự định hướng văn hóa cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với vẻ đẹp vốn tồn tại hàng ngàn năm của ngày lễ Noel trên toàn thế giới. Và sự định hướng ấy, rất cần không chỉ với ngày lễ giáng sinh, mà còn với các hoạt động văn hóa khác, khi tất cả chúng góp phần tạo nên văn hóa của người Việt.

Trần Phương

  • Từ khóa
108547

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu