Thứ 6, 29/03/2024 11:53:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:16, 02/06/2017 GMT+7

Không áp đặt trẻ em theo ý người lớn!

Thứ 6, 02/06/2017 | 08:16:00 133 lượt xem

BP - Mấy ngày cuối năm học, câu chuyện điểm số lại trở thành chủ đề “hót” để các bà mẹ bàn luận ở công sở, phố phường... và dày đặc trên facebook. Ở đâu phụ huynh cũng rậm rịch hỏi nhau kết quả học tập của con rồi... “bình loạn”! Người vui vẻ bằng lòng với kết quả học của con nhưng có người lại “cay cú”, bất bình thấy rõ. Chị N không kìm nén được cảm xúc: “Nhìn lời phê trong giấy khen của con mà “mất hứng”. Từ đầu năm đến giờ, cô giáo vẫn khen con mình học tốt, cuối năm bị khống chế môn âm nhạc (chỉ hoàn thành chứ không phải hoàn thành tốt!) nên dù điểm thi toàn 10 nhưng bị hạ xuống “có tiến bộ”. Ghi “có tiến bộ” dễ bị hiểu là phải nỗ lực nhiều mới vươn tới thành tích này. Sao không tặng danh hiệu xuất sắc hay tiên tiến như trước có phải dễ hiểu không?”.

Thời gian gần đây, ngành giáo dục càng cải cách lại càng có thêm nhiều danh hiệu, càng cố hiểu càng thấy mơ hồ... Con trai của bạn tôi đang học ở một trường tiểu học nhận giấy khen với thành tích “đạt danh hiệu chiến sĩ quyết thắng”. Mẹ ấm ức vì không biết con được khen về việc gì; con cũng chẳng biết thành tích ấy giá trị thế nào để mà vui. Con thắc mắc, mẹ giải thích “mỏi miệng” con vẫn không thể hiểu “chiến sĩ quyết thắng” là gì (?!). Như thế, giá trị của giấy khen thành vô nghĩa nếu không muốn nói là thêm gây nặng nề, bức xúc...

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Thông tư số 30) từng được lãnh đạo Bộ gd-đt khẳng định là rất nhân văn, giải tỏa vấn đề áp lực điểm số cho học sinh. Nhưng thực ra, cuối năm vẫn phải thi lấy điểm, phụ huynh vẫn quy những “mặt cười” thành điểm 10, điểm 9 để “soi” lực học của con. Như vậy, việc đổi mới xem ra chẳng mới là bao... Học là một quá trình, cả năm chỉ dựa vào 1 lần thi liệu có công bằng cho các em?

Dù những nhà cải cách giáo dục luôn tìm cách đổi mới với mong muốn không tạo áp lực cho trẻ em nhưng có mâu thuẫn với việc cha mẹ luôn buộc con em phải đạt thành tích này, điểm số kia; giáo viên cũng có những yêu cầu về học tập để có thành tích cao báo cáo cấp trên? Ngành giáo dục vẫn hô hào “nói không với bệnh thành tích” nhưng lại đặt ra chỉ tiêu này, điểm số nọ để có “con số đẹp” tạo nên trường có thứ hạng cao, lớp ở “top” đầu... Và nếu không đạt những tiêu chí đó, giáo viên đừng mơ... khen thưởng! Chính điều đó đang khiến cải cách giáo dục trở thành “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và luôn ám ảnh thầy cô, học sinh mỗi khi lên lớp.

Cũng vì thành tích mà khen thưởng học sinh cũng rất dễ dãi. Nếu trước đây 1 lớp chỉ khoảng 5-7 bạn học khá, giỏi thì nay 85% khá, giỏi. Vì thế, giá trị của tờ giấy khen giảm đi rất nhiều! Ba mẹ cầm tờ giấy khen của con vẫn nghi ngờ không biết con đứng thứ 2 hay 22 trong tổng số 30 học sinh của lớp? Trong khi phụ huynh nào cũng mong muốn con mình được khen là tự hào chứ không phải một lần nữa lại phải thăm dò xem con mình đang ở vị trí nào trong lớp? Thực ra, những ai quan tâm tới con đều muốn biết thực lực của con mạnh ở môn nào, cần cải thiện môn nào và năng khiếu ra sao để có định hướng, phụ đạo đúng hướng.

Thành tích có thể giúp con tự tin học tốt hơn, phấn đấu nhiều hơn. Nhưng ngược lại, thành tích ảo chỉ khiến trẻ thụt lùi, không vươn lên được. Một lời khen đúng chỗ quý giá biết bao nhưng nếu khen sáo rỗng đôi khi lại làm hỏng cả một thế hệ học trò. Vì vậy, khi cải cách, hãy đặt mình vào vị trí của các em để không còn có những áp đặt chủ quan theo suy diễn của người lớn. Bởi giáo dục là nghề “trồng người”! 

An Nhiên

  • Từ khóa
108648

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu