Thứ 6, 29/03/2024 07:43:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:00, 04/12/2018 GMT+7

Khó khăn trong xây dựng đô thị ven biển

Thứ 3, 04/12/2018 | 09:00:00 753 lượt xem
BP - Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị ven biển là nhiệm vụ trọng tâm nằm trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra. Thực tế cho thấy, đô thị ven biển giữ vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TỪ SỰ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Hệ thống đô thị ven biển nước ta phân bố trải dài trên các tỉnh, thành phố dọc bờ biển theo đặc trưng của từng vùng, miền. Với lợi thế bờ biển dài hàng ngàn kilômét, đô thị ven biển Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội và tiềm năng để phát triển, đem lại sự thay đổi tích cực cho các vùng ven biển. Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng điều chỉnh phê duyệt năm 2009 khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của hệ thống đô thị ven biển. Các đô thị ven biển được xác định là động lực phát triển kinh tế của địa phương và quốc gia. Ở đó tập trung số lượng lớn các dự án của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, du lịch và cảng biển. Hiện cả nước có hơn 125 bãi tắm lớn, nhỏ, trong đó 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam đều khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ, rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Từ những lợi thế của hệ sinh thái ven biển và các bãi tắm đã có hàng trăm khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng tập trung sát ven biển. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, số lượng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch và đặc biệt là khách sạn cao cấp với kiến trúc hiện đại, độc đáo ven biển đã mọc lên tạo diện mạo mới cho các thành phố. Các đô thị như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... là điểm đến của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế. Những đô thị lớn nhỏ, các khu kinh tế, cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam đã và đang tạo nên sức mạnh của kinh tế biển, góp phần khẳng định thương hiệu biển Việt Nam.

NHỮNG KHÓ KHĂN BẤT CẬP

Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng đất tại các vùng ven biển cùng với khai thác kinh tế biển chưa có quy hoạch hợp lý đã làm giảm diện tích các khu dự trữ sinh học ven biển, biến đổi chất lượng môi trường nước và đáy của khu vực biển ven bờ. Việc lấn chiếm khu vực ven bờ biển và cửa sông làm đìa nuôi tôm dù có tăng nguồn lợi thủy hải sản nhưng do các loại hóa chất và chất thải từ các đìa tôm chưa được quản lý chặt chẽ đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tình trạng chạy đua để thu hút đầu tư nhưng lại chưa quan tâm đến quỹ tài nguyên ven biển diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều không gian ven biển có giá trị được chính quyền cấp cho tư nhân xây chung cư cao tầng dày đặc, hoặc xây các khu nghỉ dưỡng chạy dài làm mất hết mặt tiền hướng biển. Do có nhiều dự án tập trung ven biển nên dẫn đến thiếu không gian cần thiết dành cho cộng đồng dân cư. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái những năm gần đây diễn ra trầm trọng ở nhiều nơi. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án treo, gây lãng phí đất đai... Các chuyên gia nhận định, với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển thiếu cân bằng. Môi trường tự nhiên, rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa là nguy cơ thấy rõ. Ngoài ra, những biến động của điều kiện tự nhiên và môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt... cũng là những thách thức lớn mà các đô thị ven biển phải đối mặt. Có 4/6 vùng đô thị hóa cơ bản của các tỉnh duyên hải có tiềm năng, nhưng đồng thời phải chịu tác động trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu, bão lũ, mực nước biển dâng.  Những thách thức này đòi hỏi sự phát triển của đô thị ven biển phải được quy hoạch và quản lý tốt hơn. Đô thị ven biển không nên chạy theo hiệu quả mà cần phải bảo đảm được đặc trưng riêng, thúc đẩy bản sắc của từng khu vực trong chiến lược phát triển kinh tế biển hiện nay.

Để phát triển bền vững và có bản sắc, các đô thị biển Việt Nam cần có chiến lược, định hướng cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị biển. Đó chính là mục đích và những nhiệm vụ cụ thể đã được Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Đảng chỉ rõ.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111358

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu