Thứ 4, 24/04/2024 03:04:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:00, 04/09/2019 GMT+7

Khơi sức dân trong quản lý, bảo vệ rừng

Thứ 4, 04/09/2019 | 07:00:00 264 lượt xem
BP - Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng (QLRPH) hiện quản lý 2.679,48 ha rừng tự nhiên, trong đó 1.580,42 ha rừng phòng hộ, 1.099,06 ha rừng sản xuất. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019, sau khi đơn vị tiếp nhận thêm Nông lâm trường Nghĩa Trung (Công ty cổ phần cao su Sông Bé) Ban QLRPH Bù Đăng đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững theo Quyết định số 478 của UBND tỉnh.

Hiệu quả từ việc giao khoán

Ông Lê Hùng, Giám đốc Ban QLRPH Bù Đăng cho biết: Năm 2019, đơn vị được giao chỉ tiêu thực hiện khoán quản lý, bảo vệ 1.580,42 ha rừng phòng hộ. Từ việc tổng kết công tác giao khoán bảo vệ rừng trong các năm vừa qua, để bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện còn, đơn vị đã thay đổi mô hình giao khoán bảo vệ rừng. Theo đó, tự quản lý, bảo vệ đối với diện tích nhỏ lẻ, manh mún; tiến hành giao khoán diện tích rừng phòng hộ tập trung cho nhóm các hộ gia đình và cộng đồng dân cư các thôn. Trong đó, tổng diện tích giao khoán 1.552,44 ha, gồm: Giao khoán cho cộng đồng dân cư các thôn thuộc xã Đồng Nai 1.276,1 ha, giao khoán cho 1 nhóm hộ gia đình các thôn thuộc xã Phú Sơn 276,34 ha. Qua thực hiện khoán bảo vệ rừng theo mô hình nhóm hộ gia đình, các thôn và cộng đồng dân cư đã huy động được nguồn lực của tập thể và bước đầu cho thấy hoạt động có nền nếp, hiệu quả.

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng xã Đồng Nai (Bù Đăng) triển khai kế hoạch trước khi tuần tra bảo vệ rừng

Ông Điểu Thâm, Tổ trưởng nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng xã Đồng Nai cho biết: Tổ hiện có 45 thành viên nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng với hơn 800 ha. Hằng ngày, tổ đều xây dựng kế hoạch bố trí nhân viên trực, chủ động tổ chức tuần tra nên toàn bộ diện tích rừng do tổ quản lý không để xảy ra tình trạng người dân vào chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Giám đốc Ban QLRPH Bù Đăng Lê Hùng khẳng định: Qua thực hiện khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình nhận khoán đã huy động được nguồn lực của tập thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực rừng phòng hộ đã giảm hẳn. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp một số hộ nghèo, cộng đồng dân cư có thêm thu nhập, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương, tạo động lực khuyến khích các hộ tích cực tham gia bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư còn giúp đơn vị giải quyết được những khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực.

Nhờ thực hiện tốt chương trình phát triển rừng bền vững nên những năm qua, đặc biệt trong 7 tháng năm 2019, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn lâm phần ổn định, rừng được quản lý, bảo vệ tốt. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng không xảy ra. Khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chỉ xảy ra 5 vụ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện, đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển 3 cá thể voi. Qua thời gian quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, 3 cá thể voi có sức khỏe ổn định, không xảy ra vụ việc voi xâm hại tính mạng con người, tài sản của tổ chức và công dân.

Và những khó khăn sau sáp nhập

Ông Lê Hùng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, ban đã tiếp nhận số diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ Nông lâm trường Nghĩa Trung. Sau khi tiếp nhận, diện tích lâm phần hơn 40.000 ha và chia thành 3 khu vực riêng biệt, xa nhau, từ đó công tác lãnh đạo, điều hành của Ban giám đốc và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Do hoàn cảnh gia đình hoặc do sức khỏe không đảm bảo, nhiều viên chức đã xin thôi việc theo nguyện vọng cá nhân, trong đó hầu hết thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị trong việc bố trí lực lượng bảo vệ rừng ở các chốt. Diện tích rừng tự nhiên hiện còn phần lớn xen kẽ, kế với vườn rẫy của người dân, đường giao thông tiếp giáp với rừng nhiều, từ đó tạo áp lực đối với công tác bảo vệ rừng rất lớn.

Bên cạnh đó, diện tích rừng lồ ô thuần loại, rừng hỗn giao gỗ và lồ ô dễ xảy ra cháy chiếm tỷ lệ khá lớn và còn có một số trảng cỏ giáp với rừng thường cháy vào mùa khô. Trước diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ra những khó khăn trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. 

bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Từ nay đến năm 2020, Ban QLRPH Bù Đăng tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng,  đất lâm nghiệp theo mục tiêu quy hoạch và quy chế quản lý của từng loại rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng. Ban tiếp tục thực hiện chủ trương khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư các thôn sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chủ rừng với lực lượng chức năng và sự hợp tác tích cực của nhân dân trong công tác bảo vệ rừng; giữ vững ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, xây dựng được nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng.

Về nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên, ông Lê Hùng chia sẻ: Đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, tập trung mục tiêu phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái thông qua việc khoán bảo vệ rừng. Cụ thể: Bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt, ổn định 2.679,48 ha rừng tự nhiên. Khoán bảo vệ 1.552,44 ha rừng phòng hộ cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tự tổ chức quản lý, bảo vệ 1.127,04 ha (27,98 ha rừng phòng hộ nhỏ lẻ, rải rác và 1.099,06 ha rừng sản xuất). Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực tập chữa cháy rừng.

Sau khi Đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020 được UBND tỉnh phê duyệt, Ban QLRPH Bù Đăng tổ chức thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân. Từ đó đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý để gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân với công tác quản lý, bảo vệ rừng; tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, gắn bó với rừng. 

Đức Hiến

  • Từ khóa
44764

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu