Thứ 7, 20/04/2024 13:53:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:29, 04/12/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Khởi sắc đời sống đồng bào S’tiêng

Ngọc Tú
Chủ nhật, 04/12/2016 | 09:29:00 143 lượt xem
BP - Còn chưa đầy 1 tháng nữa Bình Phước bước sang tuổi 20 đầy sung sức và hoài bão, tràn trề năng lượng cho bước phát triển mới. Bên cạnh đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh có những chuyển biến tích cực, rõ nét thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh cũng có những đổi thay đáng mừng.

Già làng Điểu Nông (trái) động viên con cháu vừa phát triển kinh tế vừa rèn luyện sức khỏeGià làng Điểu Nông (trái) động viên con cháu vừa phát triển kinh tế vừa rèn luyện sức khỏe

BỨC TRANH NGÀY CÀNG TƯƠI SÁNG

Là người từng tham gia chiến tranh cứu quốc, Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Xết (1944) ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú vẫn rất xúc động mỗi khi nói về cuộc sống thanh bình hôm nay. Khi được hỏi cảm nhận của ông về Bình Phước sau gần 20 năm đổi mới, già làng phấn chấn nói: “Tui không biết diễn tả thế nào nhưng thấy lòng rất vui sướng! Vui vì đời sống bà con nơi đây ngày càng khấm khá hơn. Giờ nhiều người S’tiêng không còn ỉ lại vào nhà nước cấp gạo cứu đói mà biết trồng tiêu, điều để làm giàu”.

Từ 41,32% hộ đói nghèo năm 1998 đến 2015, toàn tỉnh chỉ còn 8,54% hộ nghèo, không có hộ đói. Năm 2016, tỉnh còn 15,94% hộ nghèo DTTS theo chuẩn đa chiều. Ngày đầu tái lập tỉnh có 43 xã đặc biệt khó khăn, 72 xã khó khăn thì đến năm 2013 chỉ còn 9 xã đặc biệt khó khăn và 38 xã khó khăn.

Ở vùng khó khăn, đồng bào DTTS cùng với hộ nghèo đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm như: cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế hằng năm; môi trường sống được bảo vệ qua hệ thống y tế, y tế dự phòng từ tỉnh đến thôn, ấp nên đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh xã hội nguy hiểm; đường nhựa về đến tận trung tâm xã và nhiều thôn, ấp. 96% hộ được sử dụng điện, 86% hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Đặc biệt, 100% xã có điện thoại cố định và hầu hết người dân đều có điện thoại di động cùng với tivi, sách, báo, sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa đã kéo theo đời sống tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến.

Vui mừng trước diện mạo ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi hôm nay, Trưởng ấp Điểu Ghê cho biết: “Giờ đây, tất cả trẻ em trong ấp đều đến trường đúng độ tuổi. Bà con thường xuyên luyện tập ở các đội bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ, đánh cồng chiêng... để giải trí, vui chơi và giao lưu với các xã bạn dịp lễ, tết... Từ đó, người dân thêm phấn khởi phát triển kinh tế, đời sống dần khấm khá hơn”.

Ông Nguyễn Lương Nhân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 9/12 dự án (6 tập trung và 3 xen ghép) với hơn 132,261 tỷ đồng giúp 681 hộ định canh, định cư tại vùng dự án yên tâm xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa. 6 dự án tập trung được đầu tư đồng bộ công trình cấp nước tập trung, đường, điện, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra còn lồng ghép các chương trình để hỗ trợ người dân cây - con giống, phân bón đầu tư... Qua đó đã góp phần giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS”.

BIẾN ĐẤT CẰN THÀNH VÙNG TRÙ PHÚ

Những năm đầu mới tái lập tỉnh, giao thông khó khăn, địa hình chia cắt khiến nhiều người đi xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập luôn mang tâm trạng ái ngại như về một nơi “thâm sơn cùng cốc”. Ai cũng xác định vào đến xã mà gặp mưa thì chỉ có cách duy nhất là... ở lại. Kinh tế khó khăn, văn hóa lạc hậu nên thời gian đó, người dân trong xã từng phải nhận trợ cấp giáp hạt thường xuyên.

Nhưng nay Bù Gia Mập đã đổi thay tích cực với tuyến đường nhựa, bê tông, sỏi đỏ trải dài uốn mình bên những rẫy điều, cao su, hồ tiêu xanh bạt ngàn. Ở đây, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến những tỷ phú người S’tiêng như ông Điểu Mách, anh Điểu Reo...

Thời gian qua, các hội đồng già làng trong tỉnh đã tích cực vận động đồng bào S'Tiêng chịu khó lao động phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật - Trong ảnh: Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hớn Quản Nguyễn Thị Kim Ngọc gặp gỡ, thăm hỏi Ủy viên Hội đồng già làng xã Tân Hưng Điểu TuôngThời gian qua, các hội đồng già làng trong tỉnh đã tích cực vận động đồng bào S'Tiêng chịu khó lao động phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật - Trong ảnh: Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hớn Quản Nguyễn Thị Kim Ngọc gặp gỡ, thăm hỏi Ủy viên Hội đồng già làng xã Tân Hưng Điểu Tuông

Bù Tam là ấp nghèo biên giới của xã Hưng Phước (Bù Đốp), đồng bào DTTS sinh sống khá đông nên khiến nhiều người khi ghé thăm ngỡ ngàng vì có nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại thấp thoáng trong những vườn tiêu, cao su xanh mướt. Với sự phấn đấu, trưởng thành các ông Điểu Hư, Điểu Cầm cũng đã làm nức lòng đồng bào mình khi có thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ kinh tế nông trại. Ông Điểu Hư vui mừng nói: “Từ đổi mới tư duy, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao; tôi còn nuôi heo, gà, dê và tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho vườn cây”.

Trưởng ấp Bù Tam Vũ Duy Thịnh cho biết: “Ấp có 272 hộ, trong đó 65% người DTTS mà chủ yếu là S’tiêng. Người dân thường trồng tiêu, cao su và lúa. Họ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và kết hợp lợi ích kép từ trồng trọt gắn với chăn nuôi để phát triển kinh tế. Từ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con và đưa ấp ngày càng đi lên”.

Sự bứt phá để trở thành tỷ phú của già làng Điểu Nông ở ấp 1, xã nghèo An Khương (Hớn Quản) cũng khiến nhiều người phải nể phục. Nhờ chí thú làm ăn mà già Điểu Nông không chỉ thành hộ giàu của xã mà ông còn là già làng uy tín ở nơi có hơn 50% đồng bào S’tiêng sinh sống. Kiêm chức Trưởng ban mặt trận ấp, ông nhiệt tình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật từ các lớp tập huấn nông nghiệp, kinh nghiệm từ người dân và già làng khác vào sản xuất. Tư duy đổi mới, già Điểu Nông gặt hái được khá nhiều thành quả mà nhiều người phải mơ ước. Ông đã minh chứng thuyết phục để nhiều gia đình S’tiêng trong ấp thấy, khi kinh tế khá lên sẽ làm được nhiều việc khác như: đầu tư cho con học, mua sắm vật dụng trong gia đình, nâng cao đời sống tinh thần... Và một người con của ông đã học xong đại học. 

 Ở xã Thuận Lợi thì ấp Thuận Tiến chiếm 85% đồng bào dân tộc S’tiêng. Ngày mới tái lập tỉnh, trên 40% hộ đói, nghèo thì nay với uy tín của Hội đồng già làng, sự hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền các cấp mà ấp chỉ còn dưới 10% hộ nghèo. Có những hộ như bà Thị Ríp, các ông Điểu Thăng, Điểu Chinh, Điểu Tô, Điểu Nức... đã thành tỷ phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, hàng chục hộ người S’tiêng sắm xe hơi và máy cày. 98% hộ có phương tiện đi lại và thiết bị nghe, nhìn. Không ít gia đình như hộ anh Điểu Trinh và chị Thị Lan có khối tài sản hơn 10 tỷ đồng nhờ siêng năng, cần cù.

NGƯỜI S’TIÊNG DẦN KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân cho biết: Sau 20 năm tái lập tỉnh, từ sự quan tâm, tạo thuận lợi của cả hệ thống chính trị tỉnh thực hiện công tác dân tộc mà đồng bào từng bước phát huy nội lực, khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng, trong khối đại đoàn kết dân tộc. Dân trí vùng đồng bào DTTS ngày một nâng cao, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, việc hưởng thụ, giao lưu văn hóa cũng ngày càng được nâng lên.

Điều dễ nhận thấy là công tác phát triển nguồn nhân lực người DTTS nói chung, S’tiêng nói riêng được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hiện có 1.221 người DTTS đang làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong số 220 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ cử tuyển thì 184 em đã tự xin việc hoặc được bố trí việc làm. Ngày càng xuất hiện nhiều cán bộ, đoàn viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà anh Điểu Hải (1980) ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng là điển hình. Năm 2009, anh được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của, là điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tỉnh Bình Phước. Anh trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu ở xã nghèo vùng sâu, xa. Anh còn giúp nhiều thanh niên S’tiêng tìm ra giải pháp ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương. 

Công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng nói chung, trong vùng đồng bào DTTS nói riêng được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chú trọng. Qua đó, số lượng quần chúng ưu tú người DTTS đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh đã có 1.986 đảng viên DTTS.

Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong tỉnh đều có người S’tiêng tham gia, cụ thể, có 1 đại biểu Quốc hội và 3 đại biểu HĐND tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều đại biểu là đồng bào S’tiêng trong số 17 đại biểu HĐND cấp huyện và 382 đại biểu cấp xã là người DTTS.

  • Từ khóa
57377

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu