Thứ 4, 24/04/2024 19:21:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:54, 26/07/2016 GMT+7

Khơi dòng chảy

Thứ 3, 26/07/2016 | 07:54:00 108 lượt xem

BP - Chúng ta đang sống trong những ngày tháng bảy, tháng mà tất cả người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh to lớn của những người con đã anh dũng chiến đấu, quên thân mình để giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng cả nước, từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã giành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình, chính sách dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với phương châm và đạo lý nhất quán là “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Bên cạnh những hoạt động mang tính truyền thống như phụng dưỡng đến hết đời các Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ gia đình chính sách; tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà tình nghĩa, tình thương, nghĩa tình đồng đội... thì cộng đồng đã sáng tạo ra nhiều hình thức hỗ trợ mới. Đó là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ưu tiên thu hút lao động là thương binh hoặc con em thương binh, liệt sĩ; là các quỹ học bổng giúp đỡ con em gia đình chính sách. Gần đây, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh để không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân tìm mộ liệt sĩ khi có nhu cầu...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, bản thân các gia đình chính sách đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, không bị khuất phục trước khó khăn. Bằng nghị lực và truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh đã trở thành người lao động giỏi, làm ra nhiều của cải vật chất cho bản thân, gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho không ít lao động. Đó là những tấm gương sáng như thương binh Trịnh Đình Cây ở phường Long Thủy (Phước Long); thương binh Đỗ Thám ở xã Tân Lợi (Hớn Quản) mà bà con vẫn yêu mến gọi là ông Ba Thám từ thiện. Họ không chỉ sản xuất giỏi, tự mình tạo ra khối tài sản lớn mà còn rất tích cực làm công tác xã hội, từ thiện. Và còn rất nhiều tấm gương thương binh mẫu mực trên mọi lĩnh vực không thể kể hết...

Tuy nhiên, chưa phải mọi người, mọi nơi đều đã thực hiện đúng, đủ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 127 trường hợp người có công chưa được hưởng chính sách theo quy định. Qua đợt rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công dịp đầu tháng 7-2016 tại thị xã Phước Long, đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã phát hiện 29 trường hợp người có công, thân nhân người có công chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ chính sách. Tương tự, ở huyện Bù Gia Mập có 15 trường hợp, huyện Phú Riềng có 38 trường hợp chưa được công nhận và hưởng chính sách người có công. Bên cạnh việc thực hiện chưa đầy đủ các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, vẫn còn không ít người đã quên đi rằng sự thành đạt, giàu có của mình hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng đội. Còn có những người thờ ơ trước cuộc sống khó khăn của những gia đình thương binh, liệt sĩ.

Dù đã nỗ lực cố gắng, song do ngân sách nhà nước còn khó khăn nên cũng chỉ đền đáp được phần nào sự hy sinh to lớn của các gia đình chính sách. Bởi thế, ngoài thực hiện đúng, đủ chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền cần làm tốt công tác vận động để huy động tốt nhất sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tình cảm của dân tộc Việt Nam. Chỉ cần chúng ta biết khơi gợi sẽ trở thành dòng chảy mạnh mẽ để cùng với Đảng, Nhà nước chung tay chăm lo cho gia đình chính sách.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu