Thứ 6, 19/04/2024 20:12:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 20/04/2018 GMT+7

Khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa

Thứ 6, 20/04/2018 | 08:19:00 318 lượt xem

BP - Ngày 19-4 hằng năm được chọn là Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, các cấp và ngành chức năng cùng đồng bào các dân tộc đã đưa Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt. Ngày này đã và đang thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng hòa mình trong các lễ hội truyền thống, góp phần giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Các phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Những việc làm thiết thực, có ý nghĩa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo... đã khẳng định sức sống mãnh liệt và bền bỉ của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bình Phước là nơi sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó gần 20% số dân toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào bản địa như Khơme, M’nông, S’tiêng không chỉ chiếm số đông mà còn có những nét văn hóa đặc trưng riêng, luôn đồng hành trong mọi sinh hoạt đời sống của bà con. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bằng nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, phục dựng lễ hội cổ truyền dân tộc, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, chữ viết của đồng bào bản địa, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ở huyện Bù Đăng... Đặc biệt, tỉnh duy trì và phát huy giá trị các lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng; Chôl Chnăm Thmây, Đôn-ta, Ok om Bok của đồng bào Khơme... Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập đã phần nào làm biến đổi giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa ở Bình Phước, dẫn đến một số văn hóa truyền thống của đồng bào bị mai một. Dễ nhận thấy nhất là thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số không còn thích mặc trang phục truyền thống, chơi các loại nhạc cụ dân tộc, tập những điệu múa cổ truyền...

Năm 2018, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam có chủ đề “Bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là chủ đề rất phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng để Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam phát triển đi vào chiều sâu, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm nâng cao đời sống đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở; có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các nghệ nhân; tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của đồng bào; thu hẹp dần khoảng cách về thụ hưởng văn hóa - nghệ thuật giữa thành thị với vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam để đồng bào các dân tộc ngày càng gắn bó, gần gũi. Từ đó củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó các dân tộc, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc; đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu