Thứ 5, 25/04/2024 06:53:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:55, 07/01/2017 GMT+7

“Khoe hàng” bị xử lý như thế nào?

Thứ 7, 07/01/2017 | 08:55:00 712 lượt xem

BP - Ngày 17-3-2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua toàn văn Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2003. Sau hơn 15 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, đến nay có nhiều quy định trong pháp lệnh này không còn phù hợp hoặc không điều chỉnh được những hành vi mới phát sinh trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm chỉ mới quy định cụ thể về thế nào là hành vi mại dâm. Cụ thể, tại điều 3 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định về các hành vi sau: Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Như vậy, theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì chúng ta có thể hiểu là bắt buộc phải có hành vi giao cấu giữa người mua dâm và người bán dâm thì mới được gọi là mại dâm.

Nam nữ vãn cảnh chùa Quang Minh (Đồng Xoài) trang phục vẫn chưa phù hợp với nơi tôn nghiêm - Ảnh: S.H

Cũng trong pháp lệnh này, tại điều 16 và khoản 1, điều 26 có quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục (điều 16). Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa, bưu chính, viễn thông có hành vi phổ biến, tàng trữ, lưu hành hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục thì bị phạt tiền và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề (khoản 1, điều 26). Như vậy, đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục thì sẽ bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc không được tiến hành các hoạt động như đã ghi trong giấy phép.

Thế nhưng ngày nay, trên đường phố và ngay cả ở những chỗ đông người như các lễ hội và nơi tôn nghiêm như đình, chùa, nhà thờ... ngày càng có nhiều cô gái, chàng trai mặc đồ quá hở hang. Thậm chí có không ít người còn cố tình “khoe hàng”, “lộ hàng”, với những chiếc áo, quần hoặc váy ngắn hết cỡ đến mức không thể ngắn hơn được nữa và cũng hở không còn có thể hở hơn..., gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, để xử lý những hành vi này không phải dễ, vì pháp luật không có quy định hoặc có thì cũng rất khó thực thi. Bởi những quy định này chưa rõ ràng hoặc quy định của pháp luật chưa điều chỉnh đến những hành vi này. 

Chưa hết, từ thực tế cuộc sống ngày nay cho thấy, nếu như hoạt động mại dâm truyền thống chỉ đơn thuần là kiếm tiền từ việc quan hệ tình dục với người khác, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ viễn thông và truyền dẫn thông qua các trang mạng xã hội, hoạt động mại dâm đã bị biến tướng rất nhiều. Ngày nay, có rất nhiều phương thức kiếm tiền trong lĩnh vực này mà không cần phải quan hệ trực tiếp giữa bên cung và bên cầu. Cụ thể là bên cung đề nghị bên cầu - khách hàng, chỉ cần add nick, nạp thẻ điện thoại là đã có thể tâm sự đêm khuya hay chát sex... hoặc thực hiện các màn live stream ăn mặc mát mẻ hay “khoe hàng” từng phần của thân thể... trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, để được theo dõi trực tiếp, mắt thấy tai nghe thì các follower (người theo dõi) cần phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền tùy theo thỏa thuận vào tài khoản của người “cung”.

Thế nhưng, tại điều 3 trong Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có quy định như sau: “Đồi trụy” quy định tại điều 16 và khoản 1 điều 26 của pháp lệnh là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. “Khiêu dâm” quy định tại Điều 16 và khoản 1 điều 26 của pháp lệnh là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng hành vi hay cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục... cũng không bằng việc dùng chính thân thể con người của bên cung để bên cầu được “mục sở thị”.

Vì thế, quy định nêu trên là chưa đầy đủ, cần được sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng xã hội để làm bại hoại thuần phong mỹ tục, làm suy đồi đạo đức xã hội.

N.V

  • Từ khóa
92594

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu