Thứ 6, 29/03/2024 13:23:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:53, 28/09/2016 GMT+7

Khó xử phạt vì luật và nghị định vênh nhau

ND
Thứ 4, 28/09/2016 | 14:53:00 114 lượt xem
BP - Luật Xử phạt hành vi vi phạm hành chính đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật... Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;...

Và tại Điểm d, Khoản 2 của Điều 3 có quy định như sau: Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Đồng thời, về việc khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 15 của luật này có quy định như sau: Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Chính vì Luật Xử phạt hành vi vi phạm hành chính quy định: ...Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính...; cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, nên việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là từ ngày 1-8-2016, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, với quy định người có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, tức là chứng minh lỗi vi phạm đã và đang gây không ít khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).

Một cán bộ ở phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Có nhiều người vi phạm rõ ràng, nhất là các lỗi lấn tuyến, vượt đèn đỏ... nhưng vẫn cãi, đòi bằng chứng vi phạm. Trong các trường hợp này, nếu CSGT không chứng minh được bằng hình ảnh, mà chỉ có lời giải thích, thuyết phục thì không thể thực thi nghiêm minh đối với các quy định trong nghị định. Hoặc trong trường hợp người vi phạm cãi và không ký vào biên bản vi phạm thì phải có nhân chứng. Nhưng khi đó CSGT không tìm ra được nhân chứng hay có ai đó tốt bụng đứng ra làm chứng với tên tuổi, địa chỉ cụ thể thì “thua”.

Vì vậy, để Nghị định số 46/2016/NĐ-CP được thực thi nghiêm minh, công bằng và minh bạch thì lực lượng CSGT cần được trang bị các thiết bị cần thiết, đồng thời rất cần sự hỗ trợ đắc lực của người tham gia giao thông trong việc phát hiện và chứng minh những hành vi vi phạm của người cùng tham gia giao thông.

  • Từ khóa
108492

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu