Thứ 5, 28/03/2024 22:46:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:33, 29/11/2017 GMT+7

Khổ vì quy hoạch treo

Thứ 4, 29/11/2017 | 06:33:00 663 lượt xem
BP - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở ấp 3, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài đã và đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng. Bởi ở thì không được xây dựng nhà, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng, cho tặng, sang nhượng đất; còn đi thì không có chủ trương thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng. Tất cả là do vướng quy hoạch các dự án khó thực thi.

Không biết quy hoạch để làm gì?

Ông Trương Hữu Lực, Trưởng ấp 3, xã Tiến Hưng, dẫn chúng tôi đến khu vực bàu Đông hay còn gọi là bàu Cầu Khỉ ở xóm 5. Hai bên tuyến đường bê tông xi măng chạy dọc xóm là những mái nhà nhỏ xen lẫn vườn cao su, điều xanh mướt. Chẳng ai nghĩ ở vùng quê bình yên này người dân lại đang sống khổ vì quy hoạch “treo”. Bà Vũ Thị Nguyệt ở xóm 5 cho biết: Gia đình đi kinh tế mới vào đây lập nghiệp từ năm 1978. Sau hơn 10 năm làm ăn vất vả, gia đình có 3 ha đất sản xuất. Năm 1994, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với 400m2 thổ cư. Hiện gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống (mẹ già cùng 4 người con, trong đó 3 người đã lập gia đình và có cháu nội, ngoại). Năm 2012, tôi đến Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thị xã làm thủ tục tách thửa, lên thổ cư để chia cho các con. Cán bộ của phòng về khảo sát và thông báo đất của gia đình trong diện quy hoạch không thể tách sổ, sang nhượng... Khi hỏi về quy hoạch thì họ trả lời không biết quy hoạch để làm gì và bao giờ thì làm. Do ngôi nhà đang ở quá chật chội so với nhu cầu nên bắt buộc gia đình phải xây dựng nhà trái phép và chấp nhận nộp phạt để con cháu có nơi ăn ở. Hiện người dân ở đây luôn thấp thỏm lo âu vì không biết khi nào Nhà nước thu hồi đất, rồi cuộc sống sẽ ra sao nếu không còn đất ở, đất sản xuất. Đã có hộ bỏ vườn không chăm sóc vì sợ khi bị thu hồi đất thì công sức, tiền của đầu tư sẽ thành “công cốc”.

Người dân xóm 1, ấp 3, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) nhiều năm qua sống trong lo lắng, thấp thỏm vì quy hoạch treo

Cũng là người dân xóm 5, anh Vũ Văn Tầm cho hay: Tôi về đây sinh sống đã hơn 20 năm. Năm 2000, tôi sang nhượng lại 2,9 sào đất nông nghiệp để sản xuất. Thời điểm đó, gia đình quá khó khăn, không có điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Năm 2012, tôi mang GCNQSDĐ lên Phòng TN-MT thị xã đề nghị được chuyển đổi mục đích xây nhà ở thì được thông báo, đất thuộc diện quy hoạch, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện căn nhà của vợ chồng tôi đã xuống cấp nhưng không dám xây mới hay sửa lại.

Ông Trần Văn Toan, Trưởng xóm 5 nói: Toàn xóm hiện có 130 hộ bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 40 ha. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền và trong các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, nhưng chưa được xem xét giải quyết và giải thích thỏa đáng. Chúng tôi rất mong được biết là dự án gì, bao giờ thực hiện, việc đền bù giải tỏa thế nào..., để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Khổ với dự án trên giấy

Cũng sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì giải tỏa, ông Võ Trí Kính ở xóm 1, ấp 3, xã Tiến Hưng, có 3,5 sào đất với gần 100m mặt tiền, bức xúc: Nhiều đất, lại là đất có giá trị nhưng tôi không thể sang nhượng, cho tặng, xây dựng... và chuyển đổi mục đích sử dụng. Tôi hằng ngày vẫn phải làm thợ hồ lấy tiền trang trải cuộc sống. Sau nhiều lần đi về không thành, dịp đầu năm, tôi tiếp tục mang GCNQSDĐ đến Phòng TN-MT thị xã đề nghị tách thửa, lên thổ cư để chia cho các con. Phòng giữ lại hơn 2 tháng rồi trả lại và cho biết đất trong khu vực quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại và nhà ga Dự án tuyến đường sắt qua Bình Phước đi Đắk Nông nên không làm được. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, giờ muốn sang nhượng một phần đất để đầu tư phát triển sản xuất và xây căn nhà mới cho vợ con có nơi ăn ở đàng hoàng nhưng không được. Mong cấp có thẩm quyền và ngành chức năng sớm cho dân biết bao giờ thực hiện dự án và chính sách đền bù, di dời ra sao để chúng tôi yên tâm làm ăn, sinh sống.

 

Người dân xóm 5, ấp 3, xã Tiến Hưng trao đổi với phóng viên về những khó khăn do việc quy hoạch treo gây ra

Bà Đỗ Thị Mỹ ở hẻm 129, ấp 3 có 500m2 đất, nhưng chỉ 170m2 thổ cư. Giờ tuổi đã cao, bà muốn làm thêm 30m2 thổ cư để chia đều cho 2 người con, nhưng không được vì đất trong khu vực quy hoạch tuyến đường sắt.

Ông Lê Tiến Cả, Trưởng xóm 1, ấp 3 cho biết: Xóm có khoảng 130 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Riêng gia đình tôi có 2 lô đất ở hai ấp 3 và 6, diện tích trên 4.000m2 với hơn 80m mặt tiền đều nằm trong khu vực giải tỏa làm tuyến đường sắt nên không được cho tặng, sang nhượng, xây dựng... Tôi có 5 người con đều đã lập gia đình. Trong nhà tôi, con trưởng cùng vợ con ăn ngủ ở phòng khách, vợ chồng người con thứ ở phòng kế, còn tôi và vợ ở gian cuối nên mọi sinh hoạt rất bất tiện. Muốn cho các con ra ở riêng nhưng vướng dự án không thể tách sổ, lên thổ cư, còn chấp nhận nộp phạt để xây dựng trái phép lại sợ Nhà nước thu hồi sẽ mất trắng.

“Tôi là thư ký HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016 nên được biết, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ, UBND xã đã thông báo chủ trương xây dựng tuyến đường sắt qua Bình Phước nhằm phục vụ vận chuyển bô xít, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau đó in bản đồ quy hoạch chung treo ở trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các ấp. Theo công bố, phần lớn diện tích bên phải đường ĐT741, hướng Đồng Xoài - TP. Hồ Chí Minh của ấp 3 và ấp 6 trong khu vực quy hoạch. Thời điểm đó, nhiều đại biểu yêu cầu cấp có thẩm quyền phải công bố bản quy hoạch chi tiết, cắm mốc ranh giới và thông báo rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, đã qua rất nhiều kỳ họp mà vẫn chưa có câu trả lời thấu tình, đạt lý. Tôi cũng nhiều lần thay mặt cử tri ấp đề nghị cấp thẩm quyền và ngành chức năng làm rõ, nhưng cũng chỉ được Phòng TN-MT thị xã cho biết, đây chỉ là quy hoạch chung và không biết bao giờ thực hiện. Người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay sang nhượng không chỉ làm Nhà nước mất một nguồn thu không nhỏ từ thu thuế quyền sử dụng đất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - ông Trương Hữu Lực nói.

Mong muốn của chính quyền

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Quế, Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng cho hay: Trước đây, theo quy hoạch đất ở nông thôn tại xã Tiến Hưng là chỉ mở rộng khu dân cư từ đường ĐT741 về hướng đông (đoạn qua ấp 3, bên trái đường theo hướng Đồng Xoài - TP. Hồ Chí Minh) 300m. Nhưng thực tế người dân đi kinh tế mới đến xóm 5 (bàu Đông) ở ổn định từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khu vực này cách đường ĐT741 từ 800m đến 1km, nếu căn cứ vào quy hoạch mà không cho phép người dân chuyển đổi mục đích, sang nhượng, cho tặng, tách thửa... là không có cơ sở vì không phù hợp điều kiện thực tế. Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần trong các kỳ tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền và ngành chức năng xem xét xử lý dứt điểm. Xã mong UBND thị xã sớm điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp tình hình thực tế để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Đối với dự án đường sắt đi qua Bình Phước, ông Nguyễn Công Quế nói: Đây là chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải. Hiện dự án mới có quy hoạch chung trên bản đồ, chưa công bố ra dân và cắm mốc ngoài thực địa nên vị trí thực tế hiện người dân chưa biết. Kể cả cán bộ Phòng TN-MT thị xã cũng không biết. Nội dung này, cử tri đã kiến nghị nhiều lần trong các kỳ tiếp xúc cử tri và được đại biểu tiếp thu, ghi nhận, đề nghị cấp có thẩm quyền, ngành chức năng xem xét giải quyết, nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Dự án không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn gây khó khăn cho địa phương trong quản lý xây dựng, bởi do nhu cầu bức thiết buộc người dân phải xây dựng trái phép, còn chính quyền buộc phải xử lý, gây bức xúc dư luận.

Ông Quế đề nghị: “Nếu quy hoạch, yêu cầu cơ quan chuyên môn phải cắm mốc ngoài thực địa, công bố cụ thể cho nhân dân biết để bà con chấp hành. Nếu không thực hiện phải công bố hủy bỏ dự án để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân”.

Lâm Phương

  • Từ khóa
93444

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu