Thứ 6, 29/03/2024 14:53:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:23, 25/05/2016 GMT+7

Người dân xã nghèo khổ vì điện

Thứ 4, 25/05/2016 | 07:23:00 128 lượt xem
BP - Không điện sinh hoạt, phải dùng điện “đom đóm”, điện giá cao… là tình cảnh của hàng trăm hộ dân ở xã nghèo An Khương (Hớn Quản). Câu chuyện về điện của người dân xã điểm nông thôn mới này đang là vấn đề rất nan giải.

Điện yếu do đường dây truyền tải quá dài, số hộ sử dụng điện đông, trong khi bình hạ thế công suất thấp (ảnh chụp đường hạ thế tổ 3, ấp 8)Điện yếu do đường dây truyền tải quá dài, số hộ sử dụng điện đông, trong khi bình hạ thế công suất thấp (ảnh chụp đường hạ thế tổ 3, ấp 8)

Giữa tháng 5, cái nắng buổi trưa nóng như đổ lửa khiến ông Nguyễn Chiến Thuật, Tổ trưởng tổ 5, ấp 8, xã An Khương phải tiếp chuyện chúng tôi dưới bóng cây ngoài vườn vì ở đây “không điện, không quạt, chỉ có gió trời thôi”. Ông Thuật cho biết: Năm 2013, 28 hộ dân trong tổ tình nguyện ký vào đơn, đồng ý đóng mỗi hộ 10 triệu đồng để kiến nghị điện lực kéo điện. Thế nhưng, đang thu tiền thì phải trả lại cho dân do điện lực trả lời địa bàn xa, dân cư ít, kinh phí “nhiêu đó chưa đủ”, trong khi khoảng cách từ đường dây trung thế (dọc đường ĐT757) vào địa bàn tổ 5 dài 3km.

Không điện, người dân tổ 5 phải thắp sáng bằng bình ắc-quy và đèn dầu. Trong bán kính 7km2 chỉ có một điểm bán dầu hỏa là cây xăng Lộc Điền (Lộc Ninh). Vì thế, nhà nào cũng luôn dự trữ dăm bảy lít dầu. Cả tổ có 6 hộ dùng điện năng lượng mặt trời, trong đó 3 hộ sử dụng tivi và quạt điện. Do xa nơi sạc bình ắc-quy nên các hộ dân thường đến sạc nhờ ở các hộ này. Những hôm trời ít nắng, 6 hộ này cũng không đủ điện dùng.

Mỗi tháng, nhà ông Hoàng Chua mất 3 triệu đồng tiền dầu chạy máy nổ để bơm nước tưới tiêu và sinh hoạt. “Cả xóm nhà nào cũng trồng tiêu và phải bơm nước tưới bằng máy dầu, rất tốn kém” - ông Chua cho biết. Bộ năng lượng điện mặt trời được ông Chua đầu tư 12 triệu đồng nhưng phải mua thêm kích điện giá 1,2 triệu đồng mới dùng được tivi và quạt điện. Những hôm trời âm u phải ăn cơm lúc trời chưa tối. Nhà nào cũng có 1-2 con đang đi học, tối các em phải căng mắt dưới ánh đèn mờ, mò mẫm từng con chữ.

Trong căn nhà mái tôn nóng nực ở tổ 2 (ấp 8), chị Nguyễn Thị Cúc đang nấu bữa trưa, mồ hôi nhễ nhại. Chiếc quạt treo tường bật số cao nhất nhưng gió rất yếu. Anh Hạnh, chồng chị nói: “Nhà có tivi nhưng mở một lúc mới lên hình, hình co rúm, mở tivi thì quạt ngưng quay. Bóng điện 20W nhưng trước 8 giờ tối, ánh sáng chỉ bằng đom đóm”. Mới 4 tháng nhưng đã 3 lần anh Hạnh phải mang tivi đi sửa vì hỏng tụ. Có điện nhưng chủ nhà này phải sử dụng máy dầu để bơm nước giếng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Chi bộ ấp 8 cho biết: Đường dây hạ thế của tổ 2 dài 1,1km, trong khi đó, nhiều hộ xa đường dây từ 400-500m, thậm chí cả cây số. Một số hộ không có tiền đầu tư đường dây phải kéo nhờ điện nhà khác và phải chịu giá điện cao.

Điện yếu do đường dây truyền tải quá dài, số hộ sử dụng nhiều, trong khi công suất bình hạ thế lại thấp. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở các tổ 1, 3 (ấp 8), 5, 6 (ấp 2) và tổ 3, 5 (ấp 6), khiến hàng trăm hộ dân phải sống khổ sở. Người dân ở các ấp này đều trồng tiêu và sử dụng giếng khoan nhưng phải dùng máy chạy dầu. Trước khi có đường điện hạ thế năm 2013, một số hộ dân tổ 2 đã bỏ tiền làm hợp đồng với điện lực để kéo điện. Những hộ khác sau đó muốn kéo điện thì phải đóng tiền chân cho các hộ này. Giá điện hằng tháng được tính theo mức của chỉ số đồng hồ tổng, có thời điểm lên đến 6.000 đồng/kW.

An Khương là xã đặc biệt khó khăn và là xã điểm nông thôn mới, tuy nhiên tiêu chí về điện đến nay chưa đạt, mặc dù kế hoạch xã phải cán đích nông thôn mới vào năm 2015. Vấn đề thiếu điện, điện yếu không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng đã được xã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Hồng Thi

  • Từ khóa
54982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu