Thứ 3, 16/04/2024 19:14:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:53, 13/11/2018 GMT+7

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Thứ 3, 13/11/2018 | 07:53:00 435 lượt xem
BP - “Muốn tuyên truyền, vận động, thuyết phục được người dân, trước hết anh phải am hiểu luật pháp, phát huy quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch các khoản đóng góp, thu - chi thì dù khó khăn mấy, nhân dân cũng hưởng ứng” - ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng chia sẻ.

Người dân xã Long Bình từ nhiều vùng, miền trong cả nước về đây sinh cơ, lập nghiệp, cuộc sống so với trước đã khá hơn nhiều. Điều gây ấn tượng với chúng tôi khi về xã là người dân trên địa bàn sống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng nhau xây dựng đời sống mới, đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp. Kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, UBMTTQVN xã, tổ chức hội, đoàn thể, ban điều hành các thôn đóng vai trò rất tích cực.

NHỮNG CÔNG TRÌNH TỪ SỨC DÂN

Đến thăm nhà văn hóa thôn 4, chúng tôi thấy nơi đây khang trang, sạch đẹp và ấn tượng hơn khi được biết, toàn bộ khu đất làm nhà văn hóa rộng 400m2 cùng ngôi nhà, trang thiết bị đều do 240 hộ dân trong thôn tự nguyện đóng góp bình quân 1,5 triệu đồng/hộ. Những hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được miễn. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đóng góp trước, mức đóng gấp 2-3 lần so với người dân.

Để có được công trình dân sinh, phúc lợi ý nghĩa thiết thực thì Ban điều hành, Ban công tác mặt trận thôn đóng vai trò quan trọng. Là những người “vác tù và hàng tổng”, bằng cái tâm, tấm lòng vì cộng đồng, vì lợi ích chung của thôn xóm, các thành viên Ban điều hành, Ban công tác mặt trận thôn 4 đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng. “Nếu vận động một lần chưa được, thì 2, 3 lần và thuyết phục cho đến khi người dân nhận thức được việc hưởng lợi từ nhà văn hóa và không thể cứ ỷ lại vào Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Phán, Trưởng thôn 4 chia sẻ. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian người dân đã hiểu và chủ động đóng góp kinh phí hơn 500 triệu đồng. Trong đó, trị giá đất 120 triệu đồng, phần còn lại đầu tư xây nhà văn hóa và mua sắm nội thất.

Người dân xóm 4, thôn 4, xã Long Bình (Phú Riềng) tự nguyện đóng góp công sức, tiền của làm tuyến đường dài 2km, trị giá hơn 100 triệu đồng

Không chỉ tự đầu tư xây dựng nhà văn hóa, thôn 4 còn là điển hình trong vận động nhân dân làm đường giao thông. Do đi lại khó khăn, nắng bụi, mưa lầy, thông qua tuyên truyền, vận động của UBMTTQVN xã, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, hộ ít từ vài trăm ngàn, hộ nhiều hàng triệu, có hộ đóng hàng chục triệu đồng làm đường. Sau đó, Ban điều hành thôn thuê phương tiện, máy móc thi công, người dân tiếp tục ủng hộ ngày công. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay thôn 4 đã huy động nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng làm mới, duy tu 4km đường giao thông nông thôn.

Ở xã Long Bình còn có 1 nhà văn hóa thôn được đầu tư hoàn toàn dựa vào sức dân, là thôn 11. Thôn 11 chỉ có 80 hộ nhưng qua tuyên truyền, vận động, nhận thức được sự thiếu thốn, phải mượn tạm nhà dân mỗi khi sinh hoạt, hội họp, người dân trong thôn đã đồng tình ủng hộ, đóng góp hơn 500 triệu đồng làm nhà văn hóa khang trang. “Do thôn có ít hộ dân nên mức đóng cao. Cách làm của chúng tôi, thay vì vận động đóng tiền một lần, Ban công tác mặt trận thôn đã kiên trì vận động, thuyết phục người dân đóng mỗi năm một ít và sau 3 năm thì đủ kinh phí để làm nhà văn hóa thôn” - ông Lê Ngọc Chinh, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 11 chia sẻ kinh nghiệm.

CÁN BỘ PHẢI SÂU SÁT CƠ SỞ

Điều đáng quý là trong quá trình tuyên truyền, vận động, họp thôn xóm đến khi thi công bất kỳ một công trình dân sinh nào cũng đều có sự tham dự của các cấp lãnh đạo. Trong đó, Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQVN xã luôn có mặt kịp thời để động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, khoảng cách giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý với người dân ngày càng xích lại gần nhau. Cán bộ sâu sát với cơ sở để gần dân, sát dân, hiểu dân hơn nhằm đáp ứng ngày càng tốt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Lê Văn Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Bình và bà Lê Thị Tiên, Chủ tịch UBMTTQVN xã Long Bình đều cho biết: “Nhờ gần dân nên việc lớn nhỏ, chúng tôi đều nắm bắt được, sau đó việc gì cần giải quyết trước thì ưu tiên”.

Việc huy động, vận động nhân dân tham gia, đóng góp, chung tay với Nhà nước xây dựng các công trình dân sinh đã và đang được chú trọng, đẩy mạnh. Theo đó, vai trò của những người làm công tác mặt trận, đoàn thể cũng phải được nâng ngang tầm với nhiệm vụ. Việc thực hiện thành công chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã là đáng quý nhưng ý nghĩa hơn là ở những địa bàn như xã Long Bình, không ít công trình dân sinh, phúc lợi đều được đầu tư hoàn toàn từ sức dân. Điều này cho thấy, UBMTTQVN và các tổ chức thành viên tại địa phương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quốc Phong

  • Từ khóa
94483

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu