Thứ 7, 20/04/2024 15:03:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:04, 05/06/2018 GMT+7

Khó khăn, vướng mắc ở các xã về đích nông thôn mới 2016

Thứ 3, 05/06/2018 | 15:04:00 263 lượt xem

BPO - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện đã có 25 xã về đích, trong đó có 12 xã về đích năm 2016: Tân Thành (Đồng Xoài), Minh Hưng (Chơn Thành) Thanh Bình, Lộc Hưng, Minh Hưng (Bù Đăng), Phú Nghĩa, Thanh Lương, Thanh Phú, Tân Tiến, Thuận Phú, Bù Nho, Long Giang. Điều đáng mừng là hiện tất cả các xã trên đều duy trì các tiêu chí đã đạt. Tuy nhiên, để tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thì các xã đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không thể tự mình tháo gỡ, nhất là đối với các xã về đích năm 2016.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã về đích năm 2016 ngày càng được đầu tư hoàn thiện, bộ mặt của nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, do năm 2017, Trung ương ban hành bộ tiêu chí mới nên một số xã chưa đạt chuẩn ngay so với bộ tiêu chí mới. Bên cạnh đó, do nguồn lực của các địa phương có hạn nên việc phân bổ vốn cho các xã để thực hiện việc củng cố và nâng cao các tiêu chí là rất ít, nhất là việc hỗ trợ cát, đá thực hiện các công trình bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân ở các xã này hiện đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, một số xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên việc huy động vốn đối ứng của nhân dân rất hạn chế.

Hiện nay, một số trường khẩn trương thi công các phòng học, đảm bảo tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học - Ảnh: Thuận An

Cụ thể đối với xã Thanh Phú (Bình Long): Ngay sau khi xã đạt nông thôn mới, nguồn kinh phí từ Trung ương không còn nên hiện nay, để duy trì các tiêu chí đã đạt, xã chủ yếu phải huy động vốn từ nhân dân đóng góp, vốn lồng ghép, vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp, vốn do thị xã hỗ trợ. Tuy nhiên, tất cả những nguồn vốn trên chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu, nên một số công trình chưa hoàn thành, chưa được quyết toán. Khó khăn và vướng mắc lớn nhất của Thanh Phú hiện nay là xã còn nợ đọng với tổng số tiền tính đến ngày 30-2-2018 là 5.144.474.338 đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 4.018.672.338 đồng và vốn huy động trong nhân dân là 1.125.802.000 đồng.

Xã Thanh Lương (Bình Long): Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã vẫn tiếp tục thực hiện 3,2km đường trục xã, 16km đường trục ấp, xóm và 17km đường ngõ xóm. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách còn rất hạn chế dẫn tới không đảm bảo tiến độ, ảnh hưởng tới việc củng cố, giữ vững tiêu chí. Cũng vì thiếu vốn nên đến nay, công trình 4 phòng học lầu, 4 phòng chức năng và nhà vệ sinh của trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hiện đang thi công vẫn chưa hoàn thành. Hiện Thanh Lương là xã còn nợ đọng lớn, với số tiền 9.796 triệu đồng.

Xã Minh Hưng (Chơn Thành): Các tiêu chí nông thôn mới ở Minh Hưng cơ bản đạt ở mức cao, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Là xã có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn nên tiêu chí về tình hình an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường rất khó để duy trì bền vững. Hợp tác xã tiêu sạch đã được thành lập và đi vào hoạt động nhưng chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do giá vật tư đầu vào quá cao trong khi giá tiêu xuống thấp gây ảnh hưởng lớn thu nhập của hợp tác xã.

Xã Thanh Bình (Hớn Quản): Địa bàn xã có diện tích nhỏ, nên ảnh hưởng đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn, đồng thời cũng rất khó khăn trong việc vận động thành lập các mô hình hợp tác xã. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư cho đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu cho 2 ấp Đông Phất và Xa Cát, xây dựng trường mầm non, xây dựng hệ thống điện lưới và mương thoát nước cho ấp Đông Phất…, là rất lớn, trong khi đó nguồn lực của tỉnh và của huyện không thể đáp ứng.

Xã Lộc Hưng (Lộc Ninh): Nguồn vốn ngân sách của chương trình còn hạn hẹp, khả năng đóng góp của người dân trên địa bàn xã còn hạn chế, ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện giữ vững và nâng chất tiêu chí. Hiện nay, xã đang thanh, quyết toán một số công trình đường giao thông nhưng gặp một số khó khăn về trình tự, thủ tục đối ứng của người dân về tiền và vật kiến trúc. Một số tuyến đường bê tông xi măng có những điểm cần đặt cống thoát nước để tránh tình trạng nước tràn làm hư hỏng đường, nhưng do kinh phí đầu tư lớn nên chưa có nguồn vốn để thực hiện. Một khó khăn nữa của Lộc Hưng là vấn đề ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, rất cần sự quan tâm của các cấp.

Xã Phú Nghĩa (Bù Giá Mập): Việc phân bổ kinh phí để thực hiện việc nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa,... rất hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huyện không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, việc vận động vốn đối ứng trong nhân dân rất thấp. Và đến nay, xã chưa giải quyết dứt điểm nợ đọng, nhất là vốn đối ứng của nhân dân; đồng thời thực hiện chưa triệt để kiến nghị của Kiểm toán nhà nước Khu vực XIII.

Xã Long Giang (Phước Long): Hiện nay, xã vẫn đang trong quá trình thành lập hợp tác xã. Đặc biệt là cán bộ xã chưa đạt chuẩn 100% và có một cán bộ hội cựu chiến binh không đủ bằng cấp theo quy định.

Xã Bù Nho (Phú Riềng): Theo kế hoạch, việc hoàn thiện và nâng chất 19 tiêu chí của xã đến năm 2020 cần nhiều nguồn lực và kinh phí đầu tư, nhất là lĩnh vực văn hóa - thể thao, cơ sở vật chất các trường học còn yếu. Trong khi đó, nguồn vốn phân bổ từ ngân sách hạn chế do đó việc thực hiện một số tiêu chí khó gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số tiêu chí có sự biến động hàng năm chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tính bền vững, bên cạnh đó vẫn còn bộ phận phụ trách tiêu chí chưa chủ động, thiếu nhiệt tình còn trông chờ, ỷ lại nên hiệu quả thực hiện chưa tốt như: đào tạo giới thiệu việc làm, xây dựng hệ thống chính trị; tình hình an ninh trật tự.

Xã Thuận Phú (Đồng Phú): Kinh phí để nâng chất và duy trì các tiêu chí lớn trong khi nguồn vốn được phân bổ từ sau đạt chuẩn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình hình mất mùa, mất giá ảnh hưởng lớn tới thu nhập của nhân dân dẫn tới khó khăn trong việc huy động nhân dân tham gia đóng góp thực hiện Chương trình.

Xã Tân Tiến (Bù Đốp): Một số tuyến đường bê tông xi măng đã được phê duyệt, nhân dân đã đóng góp đủ vốn đối ứng, nhưng do ngân sách huyện chưa bố trí để hỗ trợ cát, đá nên chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách bố trí cho xã để thực hiện việc duy trì, nâng chất tiêu chí còn rất ít, nguồn vốn phát triển sản xuất hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến việc thực hiện các mô hình nhỏ lẻ, khó nhân rộng. Hồ sơ thanh quyết toán và các thủ tục giải ngân, hồ sơ xây dựng còn nhiều khó khăn, cán bộ phụ trách chưa nắm hết được nên việc thực hiện còn chậm trễ.

Xã Minh Hưng (Bù Đăng): Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hiện nay đã xuống cấp, cần được đầu tư xây dựng mới, nhưng việc đầu tư xây dựng trường lại nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2018 - 2020. Các tuyến đường: Thác Đứng, thôn 5 đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân khó khăn nên việc vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng làm đường là rất khó, có tuyến hầu như không vận động được. Do vậy, UBND xã đề nghị nguồn ngân sách hỗ trợ 100%, nhưng kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết. Đoạn đường Hầm Đá hiện vẫn chưa hoàn thành làm cử tri bức xúc và xã chưa có hội trường đa năng nên cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng.

Xã Tân Thành (Đồng Xoài): Trong năm 2017, UBND xã Tân Thành và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới không triển khai xây dựng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn do nguồn vốn còn ít. Công trình xây dựng trường tiểu học Tân Thành A hiện đang thi công mới chỉ đạt 80% khối lượng. Dự kiến năm 2018, xã sẽ triển khai 18 tuyến đèn đường chiếu sáng tại 7/7 khu dân cư.

Q. Minh

  • Từ khóa
54293

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu