Thứ 6, 29/03/2024 06:16:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:29, 30/11/2018 GMT+7

Khó khăn trong cứu hộ động vật hoang dã ở vườn quốc gia

Thứ 6, 30/11/2018 | 08:29:00 334 lượt xem

BP - Vườn quốc gia Bù Gia Mập là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Đây được coi là “lá phổi xanh” của cả khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, rừng Bù Gia Mập còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù việc vào rừng đã bị cấm hoàn toàn nhưng không ít người dân sống quanh vùng đệm và các nơi khác vẫn lén lút tìm mọi cách xâm nhập để săn bắt các loài thú rừng. Một số con thú bị người ta giết thịt, một số dính bẫy bị thương, những con thú nhỏ tuy được nuôi nhốt nhưng mất hoàn toàn bản năng tự nhiên... Hằng năm, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thu giữ số lượng lớn động vật hoang dã dính bẫy hoặc bị người dân bắt. Cũng có một số người tự nguyện hiến tặng và giao nộp động vật quý hiếm cho vườn quốc gia. Tuy vậy, để những con thú này trở về rừng xanh cần phải có thời gian chăm sóc, tập cho chúng làm quen trở lại với môi trường tự nhiên.

Cặp vợ chồng vượn đen má vàng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Bù Gia Mập) đã sinh được 1 con

Trước tình hình đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, đồng thời xây dựng chuồng trại để tiếp nhận và cứu những thú rừng thu giữ được, hoặc do người dân tự nguyện mang đến. Ông Cao Ngọc Long, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, lần đầu tiên là vào năm 2010, bộ phận cứu hộ tiếp nhận 2 cá thể vượn đen má vàng và thả vào khu vực thuộc Tiểu khu 24. Nhiều loài khác như: culi, tê tê, voọc chà vá, rùa, trăn, rắn, kỳ đà, khỉ... do các tổ chức, cá nhân bàn giao đã được cứu hộ thành công và thả về rừng. Năm 2016, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật chính thức được UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Từ đó đến nay đã có hàng trăm cá thể động vật hoang dã thuộc 15 loài được chăm sóc đủ sức khỏe để thả về môi trường tự nhiên. Riêng trong năm 2018, tổng số động vật tiếp nhận để cứu hộ là 19 cá thể thuộc 12 loài, trong đó có những loài quý hiếm như vượn đen má vàng, mèo rừng, rái cá, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ... Tính đến cuối tháng 10-2018, trung tâm đã thả về rừng 11 cá thể. Hiện còn nuôi cứu hộ 32 cá thể, gồm các cá thể của những năm trước chưa đủ điều kiện sức khỏe để thả.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi dưỡng động vật tại trung tâm cứu hộ, anh Trần Văn Trưởng, Giám đốc trung tâm cho biết, có những con thú khi về đây khả năng tự vệ kém; có con bị thương, ốm yếu phải chăm sóc tốt mới hồi sức được. Việc chăm nuôi động vật cứu hộ khá vất vả, nhất là phải có đủ thức ăn và thuốc chữa bệnh cho chúng. Khó nhất là lo thức ăn cho rái cá, mèo rừng. Mặc dù công tác cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập được xác định là quan trọng nhưng trung tâm đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh Trưởng chia sẻ: Hiện đơn vị đã giảm biên chế chỉ còn 5 người. Anh em vừa làm công tác cứu hộ động vật vừa tăng gia sản xuất, chăn nuôi để có thêm nguồn thức ăn và kinh phí phục vụ chuyên môn. Ngoài ra, tại trung tâm còn phát triển chăn nuôi một số loài động vật có nguồn gốc là thú hoang dã. Việc phát triển chăn nuôi tạo nguồn thu để bổ sung cho công tác cứu hộ các loại động vật hoang dã. Bởi nguồn kinh phí để thực hiện công tác cứu hộ từ ngân sách nhà nước được cấp rất hạn hẹp, thời gian tới sẽ không đủ năng lực tiếp nhận cứu hộ với số lượng lớn. Ngoài ra, những động vật lớn do hạn chế về số lượng chuồng trại, trang thiết bị nên cũng khó tiếp nhận chăm sóc được.

Theo thống kê, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 105 loài động vật hoang dã cư trú, trong đó hơn một nửa loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Cũng chính vì thế, một trong những mục tiêu của vườn quốc gia là bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật và phục vụ nghiên cứu khoa học, trong đó công tác cứu hộ có vai trò rất quan trọng. Từ thực tế đó, trung tâm đang rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền để công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại đây được bảo đảm tốt hơn.

Thanh Hà

  • Từ khóa
61520

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu