Thứ 5, 18/04/2024 18:50:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:45, 23/10/2013 GMT+7

Khó khăn chồng chất của ngành giáo dục Bù Đốp

Thứ 4, 23/10/2013 | 06:45:00 595 lượt xem

Bước vào năm học 2013-2014, ngành giáo dục Bù Đốp còn nhiều khó khăn chồng chất, nhất là cơ sở vật chất phục vụ việc dạy - học. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và duy trì sĩ số học sinh.


KHÓ KHĂN TỪ CÁC TRƯỜNG GẦN TRUNG TÂM

Trường Tiểu học Thanh Bình A (thị trấn Thanh Bình) nhiều năm qua luôn là niềm tự hào của huyện về chất lượng dạy - học và cũng là trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên (năm 2008) của huyện. Sau 5 năm được công nhận đạt chuẩn, do chưa lần nào được đầu tư tu bổ nên cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đã xuống cấp. Cô Phan Thị Liên, Hiệu phó cho biết, trường có 23 phòng học, trong đó 9 phòng cấp IV được xây dựng từ năm 2000 nên đến nay mái ngói mục, mưa dột và ẩm thấp. Do số học sinh ngày càng tăng, để đáp ứng nhu cầu phòng học, vào đầu năm học vừa qua trường phải mượn 1 phòng chức năng thay thế. Hiện tại, số học sinh/lớp vẫn quá đông so với quy định của trường chuẩn, nhưng không còn phòng để tách. “Cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu như thế này không biết sắp tới trường có giữ được chuẩn quốc gia hay không?” - cô Liên nói.


Một lớp học tại trường Tiểu học Thanh Bình A

Cách trung tâm huyện hơn 2km, trường THCS Thanh Hòa sau 6 năm thành lập vẫn giữ nguyên hiện trạng. Trường có 6 phòng học, trong đó 4 phòng phục vụ dạy - học, 1 phòng làm việc của hội đồng nhà trường và 1 phòng vi tính. Thầy Hoàng Văn Mạnh, Hiệu phó cho biết, toàn trường chỉ có 7 lớp với 212 học sinh nhưng phải học 2 ca/ngày, buổi sáng 4 lớp, buổi chiều 3 lớp. Thiếu phòng học nên 1 phòng trống vào buổi chiều trường ưu tiên cho bồi dưỡng học sinh giỏi, còn việc phụ đạo học sinh yếu, kém giáo viên bộ môn tự sắp xếp thời gian và địa điểm, thậm chí học dưới bóng mát từ gốc cây nơi sân trường. “Những khó khăn đó đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường, đặc biệt trong những năm qua THCS Thanh Hòa luôn là điểm nóng về tỷ lệ bỏ học. Năm học 2011-2012, trường có 20 em bỏ học, chiếm 11%; năm học vừa qua nhờ sự tích cực vào cuộc của nhà trường, phòng GD-ĐT, mặt trận, đoàn thể xã nên tỷ lệ bỏ học giảm còn 3,4% và đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước tới nay” - thầy Mạnh cho biết.


... ĐẾN NHỮNG TRƯỜNG VÙNG SÂU     

Được thành lập năm 2009, nhưng đến nay trường Tiểu học Thiện Hưng C (xã Thiện Hưng) còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Cô Lương Tùng Lâm, Hiệu trưởng bức xúc nói: “Toàn trường có 35 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhưng phải làm việc ở phòng chờ của giáo viên với diện tích chỉ 15m2. Trường chưa có phòng chức năng, khối hiệu bộ, hay nhà công vụ”. Do thiếu phòng làm việc nên các cuộc họp hội đồng sư phạm, chi bộ, tổ chuyên môn... đều phải tổ chức vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật. “Biết rằng điều động cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm việc vào ngày nghỉ là sai quy định, nhưng để trường vận hành được không còn cách nào khác” - cô Lâm bức xúc.

Thầy Lê Duy Trực, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, để khắc phục khó khăn, phòng đã kêu gọi xã hội hóa cơ sở vật chất, kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đặc biệt là phòng học cho các trường mầm non để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập mầm non 5 tuổi. Thế nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay thì khắc phục được là rất khó. Toàn ngành giáo dục huyện đang cần xây dựng thêm 105 phòng học, 94 phòng chức năng, 23 nhà công vụ, 38 nhà vệ sinh và 16 giếng khoan, nhưng không biết khi nào mới được trang bị!

Trường hiện có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với 19 lớp nhưng chỉ có 11 phòng học cấp 4 đã xuống cấp. Điểm chính của trường khi thành lập khu vực sân trường là ruộng lúa. Sau 5 năm nhờ xã hội hóa đã bê tông toàn bộ sân trường với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra trường chưa được đầu tư bất kỳ một công trình nào. Cũng theo cô Lâm, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự đoàn kết, đồng thuận của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên mà hàng năm trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trường vẫn chưa được công nhận tiên tiến vì thiếu phòng thiết bị, thư viện.

Năm học mới 2013-2014, thầy và trò trường Mẫu giáo Phước Thiện (xã Phước Thiện) vui mừng được Quân khu 7 đầu tư 2 phòng học mới. Thế nhưng để đáp ứng nhu cầu dạy - học, trường vẫn còn thiếu 5 phòng. Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng cho biết, do thiếu phòng học nên trường chỉ nhận các cháu 5 tuổi, các cháu 4 tuổi trường chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu, còn cháu 3 tuổi đành không nhận. Mặc dù đã hạn chế tối đa đầu vào nhưng trường vẫn luôn trong tình trạng quá tải với số lượng trung bình từ 35 đến 36 cháu/lớp. Vì thế, trường phải mượn thêm phòng họp của Hội công giáo làm phòng học tại điểm lẻ Tiểu khu 67.

Tương tự, ở trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Thiện Hưng), tình trạng thiếu phòng học từ nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu dạy - học, 2 năm qua trường phải mượn tạm của trường THCS Bù Đốp 4 phòng, Tiểu học Thiện Hưng B 1 phòng và hội trường thôn 5, xã Thiện Hưng.


KHÓ KHẮC PHỤC

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp, năm học 2013-2014, trong tổng số 24 trường học (bậc mầm non, tiểu học, THCS) mới chỉ có 19 phòng làm việc cho cán bộ giáo viên; 8 phòng thiết bị, thư viện; 8 phòng học bộ môn và đang tạm mượn 10 phòng học. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự cố gắng của toàn ngành nên chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Tuy nhiên nhiều năm qua Bù Đốp luôn là điểm nóng về tình trạng học sinh bỏ học. Năm học 2012-2013, bậc tiểu học có 5 em bỏ học (chiếm 0,9%), bậc THCS có 72 em (chiếm 2,49%) và là huyện có tỷ lệ bỏ học cao nhất tỉnh.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
83404

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu