Thứ 6, 19/04/2024 02:25:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:39, 31/10/2014 GMT+7

Khó dẹp tin nhắn “rác” vì chế tài không đủ mạnh

Thứ 6, 31/10/2014 | 06:39:00 88 lượt xem
BP - Không chỉ thời gian gần đây mà đã từ khá lâu, rất nhiều người dùng điện thoại bị “quấy rối” bởi những tin nhắn quảng cáo, gạ mua bảo hiểm, trúng thưởng, rao bán đất nền, đất dự án, bán nhà chung cư… Thậm chí là những cuộc gọi từ ngân hàng, từ công ty bảo hiểm, từ các siêu thị hoặc từ những cá nhân rao bán số điện thoại “giống của bạn”... Và tình trạng này diễn ra mà chẳng ai có thể biết được khi nào mới chấm dứt.

CÓ SỰ TIẾP TAY CỦA “NHÀ MẠNG”?

Từ những bức xúc trên, các thuê bao mà chính xác hơn là người tiêu dùng có căn cứ để nghi ngờ các nhà mạng đã vô tình hoặc cố ý tiết lộ thông tin của khách hàng. Hoặc các nhà mạng vì chạy theo lợi nhuận mà “làm ngơ” cho việc phát tán các tin nhắn “rác”. Bởi nếu các nhà mạng quản lý chặt chẽ hoặc không “tiếp tay” thì làm sao những cá nhân, tổ chức kinh doanh hoặc hoạt động các loại dịch vụ đưa được tin nhắn giới thiệu sản phẩm, tin rao vặt, tin quảng cáo, tin khuyến mãi... đến được với các thuê bao.

Các thuê bao thường nhận được những tin nhắn không mong muốn - Ảnh: B.L

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay quy định về vấn đề này còn chưa đầy đủ.  Việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng vẫn chưa được quy định cụ thể. Các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và đẩy lùi tình trạng này. Một nguyên nhân quan trọng khác xuất phát từ yếu tố kinh tế là việc tiết lộ thông tin của khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ mạng cho bên thứ ba để phát tán các tin nhắn spam, tin nhắn khuyến mãi hay những cuộc gọi giới thiệu quảng cáo sản phẩm... đã mang lại cho các nhà mạng một khoản lợi nhuận không nhỏ.

Trong bài viết này xin chỉ đề cập đến nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật chưa có các chế tài đủ mạnh.

LUẬT DÂN SỰ QUÁ NHẸ

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý... trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Các thuê bao di động thường xuyên nhận hàng loạt tin nhắn không mong muốn - Ảnh: S.U

Còn tại Điều 15 trong Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông cũng đã quy định rõ rằng: Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông; các mục đích khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Như vậy, theo các quy định trên thì thông tin cá nhân của chủ thuê bao không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa; việc rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao là vi phạm pháp luật. Và chế tài xử phạt, hành vi rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao tùy từng mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điểm a, Khoản 5, Điều 66 trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì: Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Mặc dù quy định trên so quy định tại Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 của Chính phủ, thì mức phạt cao nhưng lợi nhuận “khủng” mà người vi phạm thu được hiện nay thì mức phạt này vẫn còn quá thấp.

LUẬT HÌNH SỰ CHƯA ĐỦ MẠNH

Về trách nhiệm hình sự, tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet như sau: Người nào thực hiện một trong các hành xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…

Điều luật còn có một khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp “có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Để hạn chế tiến tới ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tin nhắn rác, tình trạng thông tin người tiêu dùng bị mua bán tràn lan trên mạng như hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường quản lý dịch vụ đầu số, nhất là đối với đầu số 1900xxxx. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần sớm ban hành quy định cụ thể về mẫu tin nhắn quảng cáo, trong đó các doanh nghiệp phải nêu rõ tên nhà cung cấp, nội dung dịch vụ, giá cước, tránh tình trạng lập lờ để đánh lừa người dùng. Đặc biệt là cần quy định rõ số lượng tối đa tin nhắn mà một thuê bao được phép gửi đi trong 1 ngày, từ đó hạn chế khả năng phát tán tin nhắn “rác” của các thuê bao “rác”. Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này cần được quy định cụ thể, rõ ràng và có đủ sức răn đe.  

Hải An

  • Từ khóa
50124

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu