Thứ 5, 25/04/2024 09:27:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:50, 02/10/2017 GMT+7

Khiếu nại và khiếu kiện

Thứ 2, 02/10/2017 | 09:50:00 670 lượt xem

BP - Việc khiếu nại và khiếu kiện là hai phương thức, cách thức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc doanh nghiệp trong quan hệ pháp luật hành chính giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức đó với cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Do đó, hai cụm từ này có khái niệm không hề giống nhau mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống hiện vẫn có không ít người có suy nghĩa rằng hai cụm từ này có sự đồng nhất về ngữ nghĩa. Vì vậy, bài viết dưới đây không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hai cụm từ này.

Trước hết, đối với hành vi khiếu nại được điều chỉnh bởi Luật Khiếu nại. Luật này đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11-11-2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2012. Còn khiếu kiện - khởi kiện được điều chỉnh bởi Luật Tố tụng hành chính. Luật này đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định có liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.

Về khái niệm khiếu nại, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Luật Khiếu nại, thì đây là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Về khiếu kiện, thuật ngữ này chỉ được sử dụng trong văn nói, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật không sử dụng cụm từ này, mà thay vào đó là cụm từ khởi kiện. Mà theo quy định tại Khoản 8, Điều 2 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân. Nói tóm lại, khiếu kiện - khởi kiện là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến Tòa án hay còn gọi là khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Xét về chủ thể khiếu nại gồm có: Người khiếu nại; Người bị khiếu nại; Người giải quyết khiếu nại; Người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Còn chủ thể khởi kiện gồm: Người khởi kiện; Người bị khởi kiện; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về đối tượng khiếu nại gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Đối với khởi kiện gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ: Thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống. Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Danh sách cử tri (Điều 30 Luật Tố tụng hành chính).

Về hình thức thực hiện, đối với hành vi khiếu nại là đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp (Điều 8 Luật Khiếu nại). Còn đối với khởi kiện là đơn khởi kiện (Điều 117). Về thời hiệu, đối với  khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (Điều 9). Đối với khởi kiện thì trong trường hợp chưa khiếu nại: 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày (khoản 2 Điều 116). Đối với trường hợp đã khiếu nại: 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 1 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại (khoản 3 Điều 116).

Quy định về không được thụ lý giải quyết đối với khiếu nại là: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định; Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng; Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; Việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án (Điều 11). Còn đối với khởi kiện thì vụ việc đang được giải quyết theo thủ tục khiếu nại hoặc người khởi kiện lựa chọn giải quyết bằng khiếu nại trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khiếu kiện (Điều 33).

Về các giai đoạn xử lý đối với khiếu nại, gồm: Thụ lý khiếu nại; Giải quyết khiếu nại lần đầu; Giải quyết khiếu nại lần hai (nếu có); Khởi kiện ra tòa án (nếu có); Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại. đối với khởi kiện là: Thụ lý đơn khởi kiện là: Chuẩn bị xét xử; Xét xử sơ thẩm; Xét xử phúc thẩm (nếu có); Giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có); Thi hành quyết định, bản án của tòa.

TH (Hội luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
30161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu