Thứ 6, 29/03/2024 21:19:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:03, 06/10/2017 GMT+7

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Thứ 6, 06/10/2017 | 08:03:00 226 lượt xem

BP - Thời gian này, các vị đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố nói chung và Bình Phước nói riêng đang tiến hành tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 23-10 tới đây. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước đó là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Đồng thời thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005. Sau đó được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 2007, 2012. Tuy nhiên, không ít quy định của luật còn bất cập, khó áp dụng  hoặc “được” đối tượng có điều kiện tham nhũng vận dụng “sáng tạo” vào thực tiễn dẫn đến tình trạng tham nhũng vẫn còn “sống tốt”. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để giám sát hành vi tham nhũng của quan chức là phải kê khai, công khai và minh bạch tài sản. Thế nhưng điều này lại không được các vị “công bộc” thực hiện nghiêm túc với lý do đây là quyền riêng tư, bí mật cá nhân!? Khi bị báo chí, công luận phát hiện “buộc” cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, phanh phui tài sản “khủng”, quá phi lý so với thu nhập từ tiền lương thì họ giải thích nguồn tiền có được là do “làm đến thối cả móng tay, chạy xe ôm thâu đêm, buôn chổi chít, nuôi heo...”!? Tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 5-9 vừa qua, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, trong số trên 1,1 triệu người kê khai tài sản năm 2016, chỉ có 3 người kê khai thiếu trung thực. Những con số ấy cũng “chẳng khác là bao” so với chuyện “tích cực tăng gia sản xuất” của các vị “công bộc”.

Đảng ta khẳng định, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng phức tạp và khó khăn. Những kẻ phạm tội tham nhũng bây giờ thường có chức cao, quyền trọng; có học thức, sẵn sàng dùng quyền lực, tiền bạc và nhiều thứ khác để xây dựng mối quan hệ khăng khít, hình thành các “lợi ích nhóm” để bòn rút tài sản, làm giàu bất chính. Thế nhưng, lực cản của cuộc chiến chống tham nhũng chính là cơ chế, chính sách bảo vệ người chống tham nhũng chưa thật cụ thể, rõ ràng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường mà người đấu tranh chống tham nhũng phải đối mặt. Đã qua rồi phương pháp triệt hạ bằng cách “giáng chức, cắt lương, buộc thôi việc” dễ phát sinh thắc mắc, khiếu kiện. Những kẻ tham nhũng bây giờ áp dụng chiêu bài rất tinh vi, rất khó phát hiện, đó là cô lập, dùng bình phong tập thể để nhận xét, cho ý kiến không có lợi khiến người nào “cả gan” chống tham nhũng tại địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ không thể “ngóc đầu” lên được.

Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp lần thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 31-7 vừa qua: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Nạn tham nhũng và “bệnh” lãng phí là một trong những tác nhân làm nghèo đất nước, có nguy cơ đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc “cần làm ngay” để củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi ý Đảng, lòng dân đã hợp thành sức mạnh thì cuộc chiến chống tham nhũng dù được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chắc chắn sẽ mang lại kết quả như mục tiêu đề ra.

Chính Trực

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu