Thứ 6, 29/03/2024 12:16:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:14, 01/08/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 - 1-8-2019)

Khi trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị

Thứ 5, 01/08/2019 | 10:14:00 1,052 lượt xem
BP - Thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó có nội dung trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU thực hiện nghị quyết. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 10/11 đơn vị có trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT.

CHỦ ĐỘNG, QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI

Ngay sau khi Nghị quyết 18, 19 của Trung ương ban hành, Tỉnh ủy tập trung triển khai học tập, quán triệt, đồng thời ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10-4-2018 về đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 (gọi tắt là Đề án 999). Việc nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT huyện được xác định là một trong những nhiệm vụ phải làm với tinh thần chủ động, khẩn trương và quyết liệt, không chờ đợi. Bởi, mô hình này vừa tinh giản được biên chế vừa trực tiếp tăng cường sự lãnh đạo của ban thường vụ huyện ủy đối với hoạt động của TTBDCT, vì đồng chí trưởng ban tuyên giáo huyện ủy là ủy viên ban thường vụ huyện ủy. Bên cạnh đó, giảm bớt các khâu trung gian cho hoạt động của TTBDCT, vì khi chưa thực hiện nhất thể hóa, nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm do ban tuyên giáo huyện ủy thẩm định.

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lộc Ninh khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên

Thuận lợi nêu trên là rất rõ ràng. Vì vậy, chủ trương nhất thể hóa chức danh được cán bộ, công chức, viên chức ở cả 2 cơ quan ban tuyên giáo huyện ủy và TTBDCT huyện đồng tình ủng hộ. Trong thời gian chưa đầy 4 tháng thực hiện đề án, 9/11 đơn vị trong tỉnh đã nhất thể hóa xong, trong đó riêng huyện Đồng Phú thực hiện luôn mô hình sáp nhập TTBDCT vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Còn đơn vị Phú Riềng thực hiện từ năm 2015 khi tách huyện. Hiện nay, chỉ còn Hớn Quản chưa thực hiện nhất thể hóa, do mới bổ nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy (trong thời điểm triển khai đề án, đơn vị này khuyết chức danh).

TINH GỌN, HIỆU QUẢ

Đồng chí Hà Văn Giảng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc TTBDCT huyện Lộc Ninh cho biết, Lộc Ninh là đơn vị được tỉnh chọn làm điểm thực hiện Đề án 999. Trước đây chỉ là phụ trách, thì nay với việc nhất thể hóa chức danh, bản thân tăng thêm trách nhiệm khi tăng thêm đầu mối công việc (Giám đốc trung tâm). Trên tinh thần tinh giản bộ máy, cán bộ ít nhưng chất, cộng với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hoạt động hiệu quả, nên hoạt động của cả 2 cơ quan Ban Tuyên giáo và TTBDCT huyện Lộc Ninh vẫn thông suốt, mặc dù trung tâm hiện chỉ còn 2 cán bộ giúp việc. Thêm thuận lợi khi thực hiện mô hình nhất thể hóa là công tác lãnh đạo. Vì từ trước đến nay, đảng viên ở cả 2 cơ quan đều sinh hoạt chung 1 chi bộ.

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phối hợp Hội Cựu chiến binh huyện Lộc Ninh tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội cựu chiến binh cơ sở

Ở thị xã Bình Long, đồng chí Nguyễn Thị Huyền Linh, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc TTBDCT thị xã cho biết, từ khi nhất thể hóa, công tác định hướng hoạt động của trung tâm thuận lợi hơn. Bởi trước đây phải thông qua khâu lãnh đạo phê duyệt và phối hợp với trung tâm thực hiện, thì nay do trưởng ban là giám đốc trung tâm nên cả 2 khâu nêu trên được cắt bỏ. Biên chế của trung tâm hiện chỉ còn 3, song nhờ có lực lượng giảng viên kiêm chức hỗ trợ đắc lực nên công tác chuyên môn không bị ảnh hưởng. 

Đồng chí Bùi Văn Hiếu, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc TTBDCT huyện Phú Riềng cho rằng, do khó khăn về nhân sự nên ngay từ khi thành lập huyện (năm 2015), Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc TTBDCT huyện. Qua 4 năm thực hiện, mặc dù rất khó khăn về nhân sự (hiện Ban Tuyên giáo có 5 người, thì 3 người là hợp đồng; TTBDCT có 5 người, hiện chỉ 1 người trong biên chế, còn lại là hợp đồng), cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy chưa xây dựng, chủ yếu là mượn, nhưng do nhất thể hóa, sự lãnh đạo của Ban Thường vụ đối với hoạt động của trung tâm được gần, sâu sát hơn thông qua Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc trung tâm. Xử lý công việc linh hoạt và tốt hơn, do chủ động điều phối nhân sự ở cả 2 cơ quan, cộng với khâu trung gian trung tâm phải chờ phê duyệt văn bản từ Ban Tuyên giáo không còn. Do vậy, hoạt động của trung tâm rất thuận lợi.

MỘT HƯỚNG ĐI KHÁC

Đồng Phú là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh đến nay đã thực hiện mô hình sáp nhập TTBDCT vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trước khi sáp nhập, Ban Tuyên giáo có 4 người, trung tâm 4 người. Do vậy, việc sáp nhập khá thuận lợi, bởi chỉ giảm 1 biên chế. Đồng chí Mai Xuân Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Phú chia sẻ, tháng 10-2018, 2 cơ quan sáp nhập thành 1 với 7 biên chế. Trong đó, 1 trưởng và 2 phó trưởng ban, cụ thể: Trưởng ban phụ trách chung (là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy); 1 phó trưởng ban thường trực phụ trách công tác tuyên giáo; 1 phó trưởng ban phụ trách công tác lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng.

Gần 1 năm qua, trong chỉ đạo, điều hành mọi việc đều có sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, giảm được đầu mối, giảm thời gian giải quyết các khâu trình và thẩm định. Đồng thời, giảm được biên chế so với quy định hiện hành (giảm 2-4 biên chế). Một thuận lợi nữa là sử dụng hiệu quả số biên chế được giao. Nếu trước đây cùng một thời điểm, TTBDCT huyện tổ chức 2 lớp học rất khó khăn, vì thiếu cán bộ phụ trách lớp, thì hiện nay với 7 cán bộ, công chức, Ban Tuyên giáo có thể mở từ 2-3 lớp học cùng lúc.

 Ngoài ra, việc sáp nhập góp phần nâng cao tính phụ trách hơn nữa của cán bộ trước đây làm ở trung tâm, vì đời sống được cải thiện. Theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2008 của Bộ Chính trị, thì “Biên chế của cơ quan hợp nhất do cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định; được tính vào biên chế cơ quan đảng... cán bộ, công chức trong cơ quan hợp nhất được thực hiện chế độ tiền lương mới”, do vậy sau khi sáp nhập, 4 biên chế của TTBDCT được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công chức cơ quan đảng, trong đó có phụ cấp công vụ và phụ cấp đảng, đoàn thể.

Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có chủ trương nào về sắp xếp bộ máy lại diễn ra nhanh chóng, rộng khắp và thuận lợi như vậy. Điều đó cho thấy, khi có sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, cùng sự nhất trí, đồng lòng của cơ sở thì nghị quyết sẽ nhanh chóng được đón nhận và đi vào cuộc sống một cách chắc chắn, hiệu quả.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
29280

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu