Thứ 6, 29/03/2024 21:47:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:14, 27/06/2013 GMT+7

Khi người dân chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ 5, 27/06/2013 | 15:14:00 153 lượt xem

Hằng năm (từ tháng 4 đến tháng 7) bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Bình Phước lại xuất hiện. Bù Gia Mập nhiều năm nay vẫn là huyện có số ca mắc SXH cao trong tỉnh, đặc biệt năm 2012 đã bùng phát hai ổ dịch tại xã Bình Thắng và Bình Sơn. Thế nhưng, hiện giữa “vùng rốn” SXH, người dân vẫn không quan tâm đến dịch bệnh nguy hiểm này.


Bà Đậu (bên phải) cùng nhân viên y tế đổ các dụng cụ chứa nước không cần thiết trong nhà

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đậu ở thôn 7, xã Đắk Ơ khi các thành viên trong gia đình vừa xuất viện trở về. Bà Đậu cho biết: Gia đình có 6 người thì 5 người mắc SXH. Đầu tiên là chồng bà và 2 ngày sau thì các con lần lượt vào bệnh viện với triệu chứng sốt không giảm. 5 người thân của bà Đậu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phước Long, sau 2 ngày không giảm đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khoảng 3 tuần sau sức khỏe hồi phục. Tổng chi phí chăm sóc, điều trị cho 5 người mắc SXH của gia đình bà Đậu hết gần 20 triệu đồng.

Không chỉ gia đình bà Đậu có người bị SXH, ở quanh xóm cũng có 6 gia đình với khoảng 10 người bị mắc SXH trong thời gian gần đây. Bà Đậu nói với chúng tôi sẽ báo sự việc với thôn, xã trong cuộc họp dân sắp tới.

Anh Nguyễn Kiên Thủy, nhân viên phụ trách chương trình SXH, Trung tâm y tế Bù Gia Mập sau khi xem xét xung quanh nhà bà Đậu đã cho biết nguyên nhân gây SXH của gia đình là từ muỗi trong bể chứa nước cùng một số vật dụng chứa nước mưa khác ở phía sau nhà gây ra.

Từ đầu năm đến nay, huyện Bù Gia Mập có 94 ca mắc SXH, trong đó 88 trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo, 8 ca SXH nặng, không có trường hợp tử vong. Ngày 12-6-2013 đã phát hiện ổ dịch nhỏ tại thôn 8, xã Bù Gia Mập với trường hợp của bé Nguyễn Anh Đào (4 tuổi) bị SXH nặng, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó, Trung tâm y tế đã phun hóa chất trong vòng bán kính 200m xung quanh ổ dịch, vận động các gia đình diệt loăng quăng, đồng thời tuyên truyền cho người dân sống quanh vùng về bệnh SXH, không để bùng phát thành ổ dịch lớn.

Chị Nguyễn Thị Phương Nga, nhân viên y tế thôn Đắk Lim cho biết: Gần đây chị đã phối hợp với chi đoàn thanh niên tuyên truyền và phát tờ rơi về cách phòng bệnh SXH cho các hộ dân. Chị đã trực tiếp đến tận nhà tuyên truyền nhưng vẫn có hộ không quan tâm đến bệnh SXH. Chị Nga chia sẻ: Mới đây, trong đợt tuyên truyền phòng chống sốt rét, đoàn nhân viên y tế tuyến huyện phối hợp với xã tổ chức tẩm mùng cho nhân dân, nhưng chúng tôi chờ cả ngày cũng chỉ có vài hộ mang mùng đến. Điểm tẩm mùng lúc đó cách nhà bà Đậu chưa tới 50m, loa đài phát cả ngày về bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, chưa kể y tế thôn bản tới tận nhà tuyên truyền, vậy mà...

Theo bác sĩ Trần Văn Nhân, Trưởng trạm y tế xã Đắk Ơ, thường các ca nhẹ được cho thuốc uống 2 ngày và hẹn tái khám sau 2 ngày. Bác sĩ Nhân giải thích: Vào mùa mưa, muỗi sinh sản nhiều, đặc biệt loại muỗi vằn gây bệnh SXH sống trong các bể, lu, khạp... chứa nước sạch nên nguy cơ người dân mắc bệnh vào các tháng cao điểm của mùa mưa (tháng 6 đến tháng 8 hàng năm) là rất cao. Tuy nhiên do địa bàn xã rộng, hệ thống loa đài ít nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Đặc biệt ý thức của người dân về phòng bệnh còn thấp. “Một số người dân cho rằng, việc phun hóa chất đồng nghĩa với việc tiêu diệt được mầm bệnh chứ không phải biện pháp tạm thời. Họ còn cho rằng điều đó có hiệu quả cao, lâu dài hơn việc thực hiện tốt vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng. Thế nhưng bình thường nếu phun hóa chất dự phòng thì họ sợ bị nhiễm độc, còn khi mắc bệnh thì yêu cầu phải phun”, chị Nga phân trần.

Bác sĩ Mai Văn Triều, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Có 3 nguyên nhân dẫn đến các ca mắc SXH ở đây luôn ở mức cao so với các huyện trong tỉnh, đó là ý thức phòng bệnh của người dân thấp. Công tác dự phòng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như có sự phối hợp của các ban, ngành liên quan và được sự hưởng ứng của nhân dân.

Bác sĩ Triều nhận định: Đối tượng mắc SXH ngày càng đa dạng, tuy nhiên nguy hiểm hơn đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Hiện SXH có 4 tuýp, một người có thể mắc nhiều lần với mỗi chủng loại khác nhau nên khả năng miễn dịch với bệnh rất khó. Vì vậy người dân không nên chủ quan với bệnh SXH.           

Phương - Thùy

  • Từ khóa
92248

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu