Thứ 4, 24/04/2024 05:50:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:14, 15/06/2013 GMT+7

Khi nào Phó chủ tịch nước giữ quyền chủ tịch?

Thứ 7, 15/06/2013 | 09:14:00 127 lượt xem

* Ở khổ thứ 4 của “Lời nói đầu” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có đoạn viết: Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia;... Hiến pháp là một văn bản pháp lý cao nhất, là đạo luật gốc của một quốc gia, vì thế từ ngữ trong văn bản này phải chuẩn, phải rõ nghĩa, rõ ý và phải mang tính phổ thông, đại chúng, tức là dễ nhận biết và ai đọc cũng hiểu.

Thế nhưng trong lời nói đầu có sử dụng cụm từ “chủ quyền nhân dân”. Khái niệm cụm từ này rất trừu tượng, lại khó hiểu với nhiều người. Từ xưa đến nay, mỗi khi nói đến chủ quyền hay quyền chủ quyền thì ai cũng hiểu đó là chủ quyền của một chủ thể rất cụ thể. Hoặc nó giống như là chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc, chủ quyền lãnh thổ... và chủ quyền của người dân... chứ chưa thấy nói chủ quyền nhân dân. Vì vậy, tôi đề xuất trong lời nói đầu, cụ thể là ở khổ thứ 4 cần bỏ cụm từ “chủ quyền nhân dân” và thay vào đó là cụm từ “quyền làm chủ của nhân dân”.

* Điều 42 (sửa đổi, bổ sung Điều 59) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Đây là một trong những điều ngắn nhất trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, nội dung của điều này lại chưa cụ thể, chưa rõ ràng và mới chỉ khẳng định được một vế là quyền học tập chứ chưa khẳng định một cách cụ thể, dứt khoát rằng “học tập” không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của mọi người, mọi công dân. Vì vậy, tôi đề xuất ở điều này cần bổ sung từ “có” vào ngay trước cụm từ “nghĩa vụ”. Như vậy, mặc dù ở điều này tuy ngắn và có tới hai từ “có”, nhưng như vậy thì mới rõ nghĩa, đồng thời khẳng định được nghĩa vụ học tập của công dân. Do đó, Điều 42 sẽ được viết lại như sau: Công dân có quyền và có nghĩa vụ học tập.

* Tại Khoản 3, Điều 68 (mới) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Theo tôi, trong khoản này có sử dụng cụm “suy kiệt” là từ Hán Việt, trong khi đó, tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa có thể thay thế cụm từ này và người dân lại dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, nếu chỉ sử dụng cụm từ làm “suy kiệt” thì cũng chưa bao quát hết hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để mà nghiêm cấm hoặc có chế tài xử lý. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhưng tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, nên mọi hoạt động khai thác dù là có hiệu quả hay không có hiệu quả thì cũng làm cho nó “suy kiệt” hay giảm dần. Và vấn đề đặt ra ở đây là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như thế nào cho có hiệu quả, phục vụ tốt cho công cuộc kiến thiết nước nhà và nâng cao đời sống của người dân, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường.

Do đó, tôi đề xuất ở khoản này cần thay thế cụm từ “suy kiệt” bằng cụm từ sau: “hủy hoại, thất thoát, lãng phí”. Và đây mới thực sự là những hành vi cần phải nghiêm cấm, nghiêm trị. Như vậy, Khoản 3, Điều 68 được viết lại như sau:  Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm hủy hoại, thất thoát, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

* Tại Điều 98 (giữ nguyên Điều 108) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó chủ tịch quyền Chủ tịch. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa ổn về câu từ cũng như ngữ nghĩa. Vì vậy, tôi xin có hai ý kiến góp ý về điều này như sau:

Thứ nhất là trong dự thảo Hiến pháp có nêu: Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì... Ở đây có vấn đề đặt ra “trong một thời gian dài” là bao nhiêu lâu? Ông bà ta xưa có câu: Nước không thể một ngày không có “vua”, vậy thì 1 tháng, 1 quý hay 6 tháng hoặc 1 năm được gọi là “dài”. Do đó, tôi đề xuất là trong Hiến pháp cần hiến định cụ thể về khoảng thời gian “Chủ tịch nước không làm việc được trong một quý thì Phó chủ tịch quyền Chủ tịch”.

Thứ hai, trong điều 98 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có hai lần sử dụng cụm từ “Phó chủ tịch quyền Chủ tịch”. Theo tôi viết như vậy vừa không rõ nghĩa, không cụ thể mà lại vừa khó hiểu. Do đó, tôi đề xuất là giữa hai cụm từ này cần bổ sung từ “giữ”. Như vậy, Điều 98 được viết lại như sau: Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một quý thì Phó chủ tịch giữ quyền Chủ tịch. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch giữ quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới. 

Vĩnh Hòa (Bình Long)

  • Từ khóa
108221

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu