Thứ 6, 29/03/2024 00:09:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:52, 22/11/2015 GMT+7

Khi lòng tin đặt không đúng chỗ - Bài cuối

Chủ nhật, 22/11/2015 | 07:52:00 270 lượt xem

>> Bài 1: Chọn nhầm đối tác
>> Bài 2: Khi đối tác 
ăn xổi

Những kẻ bất lương thường lợi dụng lòng tin, lòng vị tha của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo. Câu chuyện về tín dụng đen, huy động vốn lãi suất cao, mượn tài sản không trả mà tìm cách chiếm đoạt, kinh doanh đa cấp... là những bài học cảnh giác về việc đặt lòng tin nhầm địa chỉ, vô tình tạo cho kẻ lừa đảo có đất sống. Chuyện của bà Lý Thanh Luân (1966) trú xã Long Bình (Bù Gia Mập cũ, nay là huyện Phú Riềng) cay đắng hơn khi “giao trứng cho ác” dẫn đến bị cưỡng chế đất vườn để trả nợ.

GIAO TRỨNG CHO ÁC

Đến Báo Bình Phước gửi đơn tố cáo người bạn hiền nhiều năm của mình đã hiện nguyên hình kẻ lừa đảo và làm cho gia đình điêu đứng vì khoản nợ trời ơi, trong nước mắt, bà Luân kể về hoàn cảnh đáng thương của mình và chuyện “tai bay vạ gió” đang gặp phải.

Quyết định của tòa và thửa đất nhà bà Luân bị cưỡng chế cuối tháng 5-2015 để thi hành ánQuyết định của tòa và thửa đất nhà bà Luân bị cưỡng chế cuối tháng 5-2015 để thi hành án

Cách đây hơn 10 năm, chồng bà Luân bỏ đi nơi khác, để lại cho bà 3 đứa con nheo nhóc và mảnh vườn nhỏ. Để sống qua ngày, bà Luân không quản ngại vất vả làm thuê đủ nghề nuôi con. Mảnh vườn của bà cũng được trồng thêm cây điều để có thu nhập. Trong hoàn cảnh “mẹ góa con côi”, bà nhận được sự động viên, chia sẻ của một người cùng xã là bà P.T.N. Vốn cùng trang lứa nên giữa bà Luân và bà N gắn bó mật thiết như chị em ruột, mọi tâm sự nhỏ to đều kể cho nhau nghe. Sau này, bà Luân mới biết đó là cái bẫy do bà N giăng sẵn để kéo “con mồi” vào tròng. Bà Luân kể: “Chơi với nhau được vài năm thì giữa tháng 11-2009, bà N sang nhà tôi ngủ và tỷ tê hỏi mượn tiền để mua đất. Tôi nói, em làm không đủ ăn lấy đâu ra tiền cho chị mượn. Bà N nói, chị biết Luân vất vả nhưng em có uy tín, nhiều người thương nên mượn thay cho chị. Em hỏi mượn ai cũng cho, còn chị nhiều việc phải lo nên chưa dám ra mặt...”. Nói rồi bà N giới thiệu một số địa chỉ cho bà Luân đi mượn giúp, trong đó có anh trai bà N. Tin lời, bà Luân sang nhà anh trai bà N mượn. Người anh này cho bà Luân mượn 40 triệu đồng, lãi suất 3,5%/tháng và phải viết giấy ghi nợ. Bà Luân cầm tiền về giao cho bà N và đi tìm giấy bút để người vay viết dăm ba chữ xác nhận. Nhưng bà N gạt phắt đi: “Ối dào, chị em với nhau cả, vả lại có mấy đồng bạc viết lách gì. Chị đang gấp, tuần sau chị mang trả cả vốn lẫn lời, em cứ yên tâm nhé”. Nói xong bà N quay đi khi bà Luân chưa kịp phản ứng.

Quá hạn nhưng không thấy bà Luân trả tiền, anh của bà N sang đòi nợ cả gốc lẫn lãi là 50,2 triệu đồng. Bà Luân hốt hoảng vì từ ngày bà N cầm tiền đến nay vẫn không có tin tức gì. Đi tìm khắp xóm, nhiều người cho bà Luân hay bà N nhờ nhiều gia đình đi vay nợ giùm rồi ôm tiền bỏ trốn. Không còn cách nào khác, bà Luân sang nói là mình mượn tiền thay cho bà N nhưng giấy nợ đã ký nên chủ nợ chỉ biết đòi người đi vay.

Không đòi được tiền, anh bà N khởi kiện bà Luân đến Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập để giải quyết. Sau nhiều lần tổ chức hòa giải, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự trong vụ việc. Theo đó, bà Luân đồng ý trả nợ cho anh bà N tổng số tiền 50,2 triệu đồng. Thời hạn trả tiền là 9 tháng kể từ ngày tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận.

Tuy nhiên, từ khi có quyết định của tòa cho đến nay, bà Luân không thể kiếm được số tiền trên để thanh toán khoản nợ này. Anh của bà N đề nghị Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Bù Gia Mập tiến hành cưỡng chế tài sản của bà Luân để trả nợ. Ngày 28-5-2015, Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Bù Gia Mập đã tổ chức đoàn cưỡng chế tài sản đối với hộ bà Luân và bán đấu giá để trả nợ. Bà Luân cho hay: “Mảnh vườn nhà tôi không đáng giá bao nhiêu nhưng là nguồn sống của mấy mẹ con tôi. Nay cưỡng chế thì chúng tôi biết lấy gì để sống. Chừng này tuổi mà vẫn bị lừa thật đáng trách bản thân mình đã “giao trứng cho ác” nên bây giờ phải mất tài sản”. Điều an ủi duy nhất hiện nay của bà Luân là “May cho tôi chỉ mượn được 40 triệu đồng, vì bà N còn xui tôi đi mượn của ông H cả trăm triệu đồng mà tôi chưa kịp đi. Nếu cộng thêm số nợ này nữa chắc tôi phải tự tử, chứ sống thì lấy đâu ra tiền để trả nợ...”.

Có thể vụ bà N lợi dụng lòng tốt của bà Luân tuy chưa thực sự điển hình và số tiền chưa lớn nhưng tính chất vụ việc hết sức phức tạp, nhất là về an ninh trật tự ở nông thôn, vùng sâu, xa. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và phải biết tự bảo vệ mình trước những lời đường mật của kẻ bất lương.    

PV Nội chính

  • Từ khóa
92778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu