Thứ 6, 19/04/2024 05:01:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:35, 12/02/2019 GMT+7

Khi lễ hội tàn

Thứ 3, 12/02/2019 | 08:35:00 161 lượt xem
BP - Những năm gần đây, kinh tế ngày càng phát triển, vào các dịp lễ, tết, nhất là tết Nguyên đán, ngoài các hoạt động chăm sóc người có công, đối tượng chính sách, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động vui xuân để mọi người cùng được hưởng niềm vui trọn vẹn khi tết đến, xuân về.

Tại Bình Phước, lễ hội giao thừa mừng xuân Kỷ Hợi 2019 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với chủ đề “Đất nước tỏa hào quang” và “Thành phố mùa xuân” với những tiết mục ngợi ca Đảng, Bác Hồ, đất nước, mùa xuân, thành phố trẻ Đồng Xoài. Sau chương trình nghệ thuật là lễ hội pháo hoa chào xuân mới, diễn ra trên lòng hồ Suối Cam. Và đó chính là lý do khiến người dân thành phố Đồng Xoài và các địa phương lân cận như Đồng Phú, Chơn Thành... tụ tập khá đông về đường Hồ Xuân Hương để được hòa mình vào không khí đón mừng năm mới. Trước đó, lễ hội ẩm thực và văn hóa đường phố, hội báo xuân Kỷ Hợi cũng đã diễn ra tối 29-1; rồi đường hoa xuân diễn ra từ ngày 30-1 đến 11-2 tại khu vực Quảng trường 23-3... là chuỗi hoạt động mang ý nghĩa tinh thần chào xuân mới.

Tại lễ hội ẩm thực và văn hóa đường phố, các gian hàng giới thiệu sản phẩm, các món ăn đặc trưng từ khắp mọi miền Tổ quốc đã thể hiện sắc thái văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước tụ họp về đây. Người dân đến dự lễ hội ẩm thực đường phố không chỉ để thưởng thức các món ăn đặc sắc được mang tới từ nhiều miền quê mà hơn thế, còn để thưởng thức không gian văn hóa lễ hội, được hòa mình vào niềm vui chung của dân tộc trước thềm năm mới Kỷ Hợi. Nhìn gương mặt hân hoan của mọi người trong sắc áo đủ màu, có thể thấy đời sống vật chất, tinh thần của số đông người dân Đồng Xoài đã ở mức khấm khá, nhất là khi Đồng Xoài vừa trở thành thành phố được hơn 2 tháng. Rõ ràng, không ai có thể vui vẻ rong chơi khi tết đến mà vẫn còn nhiều điều phải lo toan, phiền muộn!

Thế nhưng ít ai ngoái nhìn lại phía sau, khi lễ hội tàn. Cũng như tại lễ hội ẩm thực đường phố và khai mạc đường hoa xuân, sau màn bắn pháo hoa trong đêm giao thừa chào xuân Kỷ Hợi, từ Trung tâm Văn hóa tỉnh, người dân bắt đầu ra về. Với người dân thành phố Đồng Xoài, có lẽ chỉ duy nhất đêm giao thừa mới được chứng kiến cảnh tắc đường - vốn là “đặc sản” của các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà tôi trên đường Trần Phú, cách khá xa Trung tâm Văn hóa tỉnh - nơi diễn ra lễ hội, thế nhưng sau màn bắn pháo hoa, tiếng còi xe inh ỏi với dòng người bắt đầu hành trình du xuân bằng việc đi lễ chùa và hái lộc. Ban đêm nên không nhìn thấy bụi bốc lên, nhưng tôi có thể cảm nhận được điều đó qua không khí ngột ngạt bụi đường và mùi xăng khét lẹt. Phải hồi lâu, dòng người mới tản dần khỏi khu vực Trung tâm Văn hóa tỉnh, để lại một hiện trường ngổn ngang rác. 

Rồi đường Hồ Xuân Hương cũng trở nên vắng vẻ, chỉ còn lại những người thu dọn sân khấu tại Trung tâm Văn hóa cùng những người lao công. Những xe bán hàng rong trên đường Hồ Xuân Hương cũng được dọn đi một cách vội vã. Trừ những gì có thể đem về được, còn thì người ta vứt lại trên vỉa hè, dưới gốc cây. Thôi thì đủ loại: hộp xốp, bao ni-lon, que xiên thịt, vỏ trái cây, vỏ chai nước, vỏ lon bia, giấy gói... ngổn ngang trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Người bán xả rác, người mua cũng vô tư xả rác. Rác vương vãi khắp mặt đường, hè phố. Nhìn những chị lao công còng lưng đẩy từng xe rác đầy ngộn, tôi tự hỏi không biết đến khi nào họ mới dọn sạch được khu vực này để trở về nhà và thật sự đón xuân!?

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
109045

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu