Thứ 6, 29/03/2024 12:29:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:30, 18/09/2018 GMT+7

Khi công nghệ được ứng dụng vào sản xuất

Thứ 3, 18/09/2018 | 06:30:00 339 lượt xem
BP - Việc ứng dụng phần mềm MapInfo kết hợp phần mềm quản lý vườn cây (QLVC) đang làm lợi cho Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng hàng tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời giúp giải phóng sức người, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Sáng kiến này đã đạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ IV (năm 2016-2017).

Dễ dàng truy xuất thông tin

Việc kết hợp phần mềm đồ họa MapInfo với phần mềm QLVC đã và đang giúp Cao su Phú Riềng sử dụng hiệu quả, chi tiết và chính xác nguồn dữ liệu. Kết quả chồng xếp các lớp thông tin thuộc tính được truy xuất từ phần mềm QLVC trên nền phần mềm MapInfo đã tạo ra một hệ thống các bản đồ chuyên đề, như: Bản đồ hiện trạng, bản đồ giống, bản đồ phân hạng đất đai, bản đồ quy hoạch sử dụng đất... Từ đó, góp phần thiết thực trong quản lý, đầu tư, thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su; công tác tham mưu hoạch định chính sách phát triển dài hạn, vì mục tiêu phát triển công ty bền vững.

Quản lý hiệu quả nên vườn cây của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng luôn phát triển tốt và đạt năng suất cao - Ảnh: L.P

Khi chưa kết hợp với phần mềm MapInfo và các phần mềm khác, phần mềm QLVC do công ty đầu tư chỉ có ưu điểm là tổng hợp, lưu trữ toàn bộ dữ liệu chi tiết liên quan đến từng lô cao su từ khi trồng đến lúc khai thác mủ và cắt thanh lý, tái canh lại. Khối lượng thông tin nhiều nhưng phần mềm lại chạy trên hệ thống mạng nội bộ của công ty nên khi cần thông tin để chỉ đạo sản xuất bắt buộc phải truy xuất ra phần mềm Excel mới xử lý, in ấn. Điều này mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí cho đơn vị. Ngoài ra, việc mang theo tài liệu giấy khi đi kiểm tra, chỉ đạo thực tế tại các lô, thửa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dữ liệu của phần mềm QLVC không được khai thác sử dụng tối đa gây lãng phí vốn đầu tư xây dựng phần mềm, công lao động nhập và hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

Trước đây, công ty sử dụng phần mềm AutoCAD trong quản lý đất đai. Phần mềm này có ưu thế thiết kế xây dựng nhưng không mạnh trong quản lý thông tin thuộc tính, vị trí địa lý của lô, thửa, xây dựng các bản đồ chuyên đề và rất khó kết nối với phần mềm khác để sử dụng vào các mục đích cao hơn. Trong khi khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, các ứng dụng trong quản lý trên nền tảng công nghệ thông tin cũng dần được hoàn thiện. Vì vậy, việc sử dụng các phần mềm riêng lẻ sẽ không đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ lý do này, nhóm nghiên cứu đã áp dụng giải pháp kết hợp giữa phần mềm QLVC của công ty với phần mềm đồ họa MapInfo và Google Maps để giải quyết các yêu cầu đặt ra và thay thế phần mềm AutoCAD.

Anh Đặng Từ Linh, cán bộ Phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty, thành viên của nhóm sáng kiến cho biết: “Việc ứng dụng phần mềm QLVC trên nền tảng MapInfo đã phát huy hiệu quả tối đa nguồn dữ liệu đa dạng của phần mềm QLVC; tận dụng các thế mạnh của phần mềm MapInfo để quản lý thông tin thuộc tính, thông tin địa lý, ranh giới của lô, thửa và thành lập các bản đồ chuyên đề, định hướng, quy hoạch sử dụng đất... Giải pháp này còn được ứng dụng trên dịch vụ bản đồ số (Google Maps) để kiểm tra, xác định biến động ranh giới, đưa thông tin của từng lô cao su lên bản đồ trực tuyến của Google để sử dụng, chỉ đạo, điều hành sản xuất trên laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet mọi lúc, mọi nơi”.

Quản lý hiệu quả vườn cây

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng Lê Thanh Tú, Chủ nhiệm sáng kiến ứng dụng cho biết: “Hiệu quả của giải pháp không chỉ giới hạn trong các đơn vị thuộc lĩnh vực trồng cao su mà có thể giúp các cơ quan nhà nước áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác của ngành nông, lâm nghiệp. Nhất là quản lý các vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, mía đường; bảo vệ và phát triển rừng bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây. Song song đó, các đơn vị kinh tế cũng sẽ phối hợp tốt hơn với chính quyền các cấp giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng đất thông qua phần mềm này”.

Giải pháp còn giúp người quản lý truy xuất thông tin đầy đủ, chi tiết về công tác quản lý, sử dụng đất và các dữ liệu liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào. Nhờ sử dụng tối đa nguồn dữ liệu của phần mềm QLVC, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quản lý, điều hành sản xuất đã và đang tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí trong quá trình thực hiện, cập nhật thông tin, chỉnh lý biến động đất đai, nâng cao năng suất lao động...

Ngoài ra, sự kết hợp nguồn dữ liệu của phần mềm QLVC trên nền tảng MapInfo với các phần mềm khác, như: FME Quick Translator (chuyển đổi qua lại giữa các định dạng địa lý), MapSouce (hỗ trợ đọc và xử lý các dữ liệu của máy Garmin GPS), đặc biệt là Google Earth (phần mềm mô phỏng địa cầu) và Google Maps mang lại hiệu quả rất tích cực trong quản lý, sử dụng đất, điều hành sản xuất của công ty cũng như phối hợp với chính quyền cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, như: Kiểm tra xác nhận ranh giới để cấp quyền sử dụng đất cho người dân vùng giáp ranh, phối hợp địa phương trong công tác giao và thu hồi đất...

Mai Ly

  • Từ khóa
43159

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu