Thứ 5, 25/04/2024 00:18:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:13, 27/03/2014 GMT+7

Khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn...

Thứ 5, 27/03/2014 | 09:13:00 217 lượt xem

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên thời gian gần đây, cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng đã có không ít doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ rồi chủ bỏ trốn và “xù” quyền lợi của người lao động. Để xử lý vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

Theo quy định tại quyết định trên, DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động bị mất việc làm thì được Nhà nước cho vay để thanh toán. Tức là DN được tạm ứng ngân sách để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng thực tế lại không thể thực thi, vì rất khó xác định tiêu chí thế nào là “DN có chủ bỏ trốn”. Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì “DN có chủ bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể tiêu chí này. Do vậy, các cơ quan chức năng đành phải chào thua.

Một trở ngại nữa là quy trình xử lý tài sản của DN có chủ bỏ trốn. Cụ thể, tại điểm c, Khoản 2 mục III trong Thông tư liên tịch số 06/2009 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính có nêu: Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của DN để hoàn trả tạm ứng từ ngân sách địa phương. Thế nhưng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính chỉ là cơ quan chuyên môn, không có chức năng thu giữ và quản lý tài sản của DN.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa xác định cơ chế xử lý nhanh tài sản của DN có chủ bỏ trốn để bảo đảm việc xử lý tài sản đúng quy định, bảo toàn giá trị tài sản và hoàn trả số tiền ngân sách đã tạm ứng. Do đó, sau khi ứng lương cho người lao động, việc xử lý tài sản của DN rơi vào bế tắc bởi quy trình phá sản rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Mà theo luật định hiện hành thì khi DN phá sản, ưu tiên hàng đầu là giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nhưng chính những trở ngại này nên đã gây khó khăn cho việc tạm ứng ngân sách trả lương cho người lao động tại những DN có chủ bỏ trốn, dẫn đến việc khó thu hồi ngân sách. Vì vậy, người lao động trong các DN phá sản bị thiệt.

Bên cạnh đó, theo quy định thì việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả lương cho người lao động chỉ áp dụng với những lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN có chủ bỏ trốn. Như vậy, người  lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN này thì không thuộc đối tượng áp dụng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc giải quyết nợ lương cho người lao động. Mặt khác, do quá trình xử lý vụ việc kéo dài nên tài sản của DN bị xuống cấp, giá trị còn lại của tài sản thường thấp hơn giá trị tài sản tạm xác định ban đầu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến khó khăn hơn khi giải quyết chế độ cho người lao động.

Như vậy, để giải quyết dứt điểm việc tạm ứng ngân sách chi trả hộ tiền lương cho người lao động tại các DN có chủ bỏ trốn, các cơ quan chức năng cần quy định tiêu chí xác định “DN có chủ bỏ trốn” để làm cơ sở thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ khoản nợ lương cho người lao động.

M.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu