Thứ 4, 24/04/2024 23:37:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:20, 28/05/2013 GMT+7

Khẳng định rõ vị trí của các tổ chức thành viên Mặt trận

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:20:00 117 lượt xem

* Điều 9 (sửa đổi, bổ sung Điều 9) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. 3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên có phần chưa đúng, chưa phù hợp với vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hơn nữa, nếu viết như trên thì ngay trong 3 khoản của điều 9 đã có sự mâu thuẫn với nhau.

Cụ thể, tại Khoản 1 của dự thảo đã khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Khoản 3 cũng trong điều 9 có ghi: Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Tức là, ở trong Khoản 1 và Khoản 3 của dự thảo đều nhắc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác. Nhưng ở Khoản 2 cũng của Điều 9 thì dự thảo chỉ khẳng định riêng có “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” mới “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, vậy còn các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác thì có “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”?.

Nói tóm lại, ở Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 9 đã nhắc lại một phần khái niệm về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà khái niệm này đã được nêu rõ trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vấn đề đặt ra ở đây là trong các Khoản 1 và 3 nếu đã nhắc đến các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội, thì ở Khoản 2 của Điều 9 cũng cần nhắc lại để các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác cũng thấy rõ được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của đất nước và trong bộ máy của chính quyền nhân dân. Từ quan điểm trên, tôi đề xuất là trong Khoản 2 của Điều 9 cần bổ sung vào sau cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” dấu phẩy  và nội dung sau: “Các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận”. Như vậy, Khoản 2 của Điều 9 được viết lại như sau: 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

* Trong Khoản 2, Điều 18 (sửa đổi, bổ sung Điều 49) của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 3 khoản với nội dung quy định như sau: 2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác. Theo ý kiến của tôi thì quy định như trên là chưa chính xác, vừa khó hiểu vừa khó thực thi và dễ bị hiểu nhầm. Cụ thể là với nội dung quy định tại Khoản 2 tôi xin có hai ý kiến như sau: Thứ nhất là ở nội dung “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ...”, vì trái với “không thể” là “có thể”. Hơn nữa, nếu dùng từ không thể ở đây dễ dẫn đến hiểu nhầm là do khó khăn hay vì một lý do nào đó nên không thể làm được việc này. Do vậy, dùng từ “không thể” ở đây vừa thừa lại vừa khó hiểu và không ổn. Và trong các văn bản quy phạm pháp luật từ xưa đến nay chưa thấy dùng cụm từ này, hơn nữa đây lại là Hiến pháp, một đạo luật gốc.

Thứ hai là ở phần cuối của Khoản 2 này có nội dung như sau: “Giao nộp cho Nhà nước khác”. Theo tôi thì từ “nhà” ở đây không phù hợp và nếu ghép thành cụm từ “nhà nước” thì nó lại có nghĩa hẹp hơn nước - quốc gia. Hơn nữa, trong hội nhập quốc tế hiện nay thì ngoài yêu cầu của Nhà nước vẫn còn những tổ chức khác yêu cầu và nếu quy định như trên thì sẽ rất khó cho chúng ta. Vì thế, tôi đề xuất ở khoản này cần bỏ từ “thể”, để khẳng định rõ ràng là không và bỏ từ “nhà”. Đồng thời bỏ dấu phẩy ở sau cụm từ “Việt Nam” và bổ sung thêm từ “để” cho rõ nghĩa. Như vậy, Khoản 2 của điều 18 được viết lại như sau: Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để giao nộp cho nước khác.

Đào Trung (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108214

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu