Thứ 7, 20/04/2024 20:09:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:43, 18/09/2016 GMT+7

Khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi: Vì sao đua nhau vượt tuyến?

Chủ nhật, 18/09/2016 | 07:43:00 1,172 lượt xem
BP - Mỗi khi con bệnh, nhiều bậc cha mẹ phải vượt hàng trăm cây số đến TP. Hồ Chí Minh bốc số thứ tự để khám, chữa bệnh cho con. Nhiều người chấp nhận bỏ qua quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế đối với trẻ dưới 6 tuổi để con mình được chẩn đoán chính xác và nhanh lành bệnh. Phóng viên Báo Bình Phước đã xâm nhập thực tế để lý giải thực trạng này.

“2-3 giờ sáng là cao điểm của các xe dịch vụ đưa người dân ở huyện, thị trong tỉnh về các bệnh viện ở Tp. Hồ Chí Minh khám và điều trị bệnh, trong đó 2/3 là phụ huynh đưa con về Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (BVNĐ)” - một tài xế xe dịch vụ ở Đồng Xoài chuyên chở khách đến các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cho biết.

NHỌC NHẰN VƯỢT TUYẾN

Chị Phạm Thị Huệ ở thôn Tân Hiệp, xã Bù Nho (Phú Riềng) cho biết: Khi con bị bệnh, tôi thường đưa bé đến phòng khám tư hay tiệm thuốc tây mua thuốc; nếu uống thuốc 1-2 ngày không khỏi sẽ đưa con đi BVNĐ”. Không riêng chị Huệ mà phần lớn các ông bố, bà mẹ đều có thói quen khám, chữa bệnh cho con như vậy khi trao đổi với phóng viên.

Chờ khám chữa bệnh nhi tại phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Bá Huy ở đường Hùng Vương, phường Tân Bình (Đồng Xoài)

Đưa con lên BVNĐ, các bậc cha mẹ rất yên tâm do được bác sĩ chuyên ngành giàu  kinh nghiệm trực tiếp khám. Vì thế, dù phải vất vả dậy từ 2-3 giờ sáng để kịp về trong ngày họ vẫn chấp nhận. Nhiều cha mẹ còn chọn khám dịch vụ chất lượng cao bằng cách đặt lịch khám trước qua điện thoại với giá cao. Đổi lại bệnh nhân được chủ động giờ giấc và lựa chọn bác sĩ. Trên chuyến xe dịch vụ đưa bệnh nhân đi khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh của Công ty TNHH Thành Công, chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Tân Xuân (Đồng Xoài) nói: “Bé nhà tôi bị ho, sốt đã gần một tuần. Tôi đưa con đến phòng khám tư nhưng uống thuốc thấy lâu khỏi nên phải đưa con về BVNĐ”.

Trong số trường hợp đưa con đi TP. Hồ Chí Minh khám chữa bệnh, có những bệnh rất nhẹ nhưng cha mẹ vẫn bỏ một ngày để đưa con lên tuyến trên thay vì chỉ mất khoảng 2 giờ hoặc nửa ngày để khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện gần nhà.

“BỤT CHÙA NHÀ KHÔNG THIÊNG”

Do có điều kiện kinh tế khá giả mà chất lượng phục vụ các bệnh viện trong tỉnh chưa tốt và một phần do tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng” nên xu hướng người dân chọn dịch vụ khám tư và vượt tuyến diễn ra ngày càng nhiều.

“Đi khám ở các bệnh viện trong tỉnh, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc nhưng không giải thích rõ bệnh tình của con nên tôi không yên tâm” - chị Nguyễn Thị Tính, xã Long Hà (Phú Riềng) phàn nàn.

Các cha mẹ đưa con đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Còn chị Phạm Thị Huệ cho biết thêm: “Có lần tôi đưa con vào bệnh viện gần nhà được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, uống thuốc mấy ngày không giảm. Đưa con về BVNĐ thì được chẩn đoán viêm hô hấp, phải nhập viện điều trị một tuần. Từ đó, dù khó khăn đến mấy tôi cũng đưa con về TP. Hồ Chí Minh chứ không chữa ở tỉnh nữa”. Tương tự, chị Trần Diệu Hiền, 29 tuổi ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành (Bù Đốp) cũng mất niềm tin về việc chẩn đoán bệnh ban đầu ở các bệnh viện trong tỉnh. “Năm 2011, bác sĩ phòng khám tư chẩn đoán con gái tôi bị bệnh tay - chân - miệng. Tôi đưa con vào bệnh viện huyện khám lại. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da nên kê toa thuốc về nhà uống. Uống thuốc mấy ngày không khỏi, tôi đưa con về BVNĐ, các bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ngay vì cháu bị tay -  chân - miệng. Từ đó, mỗi lần con bị bệnh tôi đều đưa đi khám tại BVNĐ và thường chọn khám dịch vụ” - chị Hiền nói.

Với các bậc cha mẹ, việc con được chẩn đoán bệnh chính xác, mau lành bệnh là trên hết, bởi trẻ em sức đề kháng kém, nếu uống thuốc dài ngày mà không đúng bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Bá Huy, Phó khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh lại cho rằng: “Mỗi loại bệnh có liệu trình điều trị khác nhau, tùy vào thể trạng của từng trẻ như: Độ tuổi, cân nặng, chiều cao, tiền sử bệnh mà trẻ mắc phải... nên khi khám bệnh các bác sĩ đã kê đơn thuốc, thời gian uống phù hợp với thể trạng và bệnh của mỗi trẻ. Nhưng vì một số lý do mà phụ huynh tự ý dừng thuốc giữa chừng hoặc uống không theo đơn của bác sĩ sẽ làm trẻ kháng thuốc, khó điều trị hơn”.

Bác sĩ Huy nói: “Ở các bệnh viện lớn như Nhi Đồng có chế độ nhi riêng với từng khoa tách bạch, như: phổi nhi, thận nhi, tim nhi... nên sự chuyên sâu cũng như tính chuyên nghiệp cao, thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm nên việc chẩn đoán, khám, chữa bệnh chính xác cao. Còn Bệnh viện đa khoa tỉnh hiện chữa trị theo nhi đa khoa nên một số mặt còn hạn chế. Cụ thể, đối với một số bệnh như bệnh tim nhi - siêu âm tim, bệnh co giật thì thiếu MRI - test giúp phát hiện có phải viêm não hay không để tìm nguyên nhân chính gây bệnh và điều trị kịp thời thì ở khoa chưa làm được do thiếu bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm, dù đã có thiết bị. Còn điện não nhi thì quá tầm so với bệnh viện tuyến tỉnh nói chung”. 

Một bộ phận cha mẹ “nghiện” đưa con đi khám bệnh “vượt tuyến”, đôi khi con chỉ bị những bệnh nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, vẫn có không ít bậc cha mẹ sáng suốt đưa con đến bệnh viện trong tỉnh chữa trị đúng quy trình, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế và vẫn được chăm sóc tận tình.

“VUI VÌ CON ĐƯỢC NHẬN NHẬP VIỆN”

Đó là niềm vui của người mẹ nghèo Nguyễn Thị Hiên ở xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). “Con tôi bị viêm phổi nặng, được Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long chuyển thẳng đến BVNĐ. Do gia đình không có điều kiện nên xin chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và nhập viện ngày 14-8-2016. Nhìn con thở ôxy nặng nề, tôi lo lắng không biết bệnh viện tỉnh có cho nhập viện hay không? Nhưng sau 5 ngày điều trị, con tôi đã khỏe, gia đình rất yên tâm”.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 10.250 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt 100%. Trong khi đó, thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khám, chữa bệnh trẻ em dưới 6 tuổi là 7.058 nhưng chỉ có 4.904 lượt trẻ em khám có bảo hiểm y tế. 

Ngồi xếp hàng đợi đến lượt con mình, chị Nguyễn Thị Chinh ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) cho biết: “Con tôi bị đi tiểu nhiều, hôm nay đưa cháu đi khám và xét nghiệm nước tiểu. Tôi thường cho con khám ở Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh vì được chăm sóc tương đối tốt”. Chị Trần Thị Hạnh, mẹ của em Nguyễn Thị Thảo ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) nói: “Bé bị sốt cao. Ở gần nhà cũng có phòng khám tư nhưng đưa con vào Bệnh viện đa khoa tỉnh tôi thấy yên tâm hơn khi có bác sĩ trực, thăm khám hằng ngày”.

Bác sĩ Huy cho hay: Hiện Khoa Nhi đã được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại; có 7 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 5 bác sĩ chuyên khoa 1 đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nhi. Đối với các bệnh thuộc nhóm 1 và 2, như viêm mũi, amidan, tiêu chảy, tay - chân - miệng (độ 2a, 2b)... khoa đều chữa trị được. Khoa có 2 bác sĩ đang học chuyên khoa 1. Chúng tôi  sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thành lập website nhằm giúp người dân hiểu và tiếp cận thông tin tốt hơn, qua đó tạo niềm tin đối với cha mẹ đưa con đi khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh.

Nguyệt Cát

  • Từ khóa
93079

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu