Thứ 6, 29/03/2024 05:05:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:35, 27/03/2015 GMT+7

Khái niệm về tội phạm và những băn khoăn

Thứ 6, 27/03/2015 | 07:35:00 138 lượt xem
BP - Bộ luật hình sự hiện hành đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21-12-1999. Tại Điều 8 của bộ luật này gồm 4 khoản đã nêu rõ khái niệm về tội phạm như sau:

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. 2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. 4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Như vậy, trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội phạm được chia thành 4 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, trong bộ luật này cũng phân biệt rõ 4 loại tội phạm trên bằng cách áp đặt mức phạt vào từng loại. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì chính cách giải thích như trên đã đặt ra 2 vấn đề mà các chuyên gia pháp luật quan tâm:

Thứ nhất là người phạm tội chỉ cần có hành vi phạm tội nằm trong khung hình phạt có mức cao nhất 7 năm tù hay phải bị kết tội ở mức cao nhất thì mới bị coi là tội phạm nghiêm trọng? Thế nhưng tại Khoản 1, Điều 111, khung phạt cho tội hiếp dâm ở khoản này là từ 2-7 năm. Như vậy, nếu một người phạm tội này nhưng chỉ bị phạt tù 2 năm thì sẽ đương nhiên được xem là tội phạm ít nghiêm trọng (vì có mức phạt thấp hơn mức quy định là dưới 3 năm) hay người này là tội phạm nghiêm trọng (vì tội nằm trong khung hình phạt có mức án đến 7 năm)?

Thứ hai là tại Khoản 4, Điều 202 có quy định: Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ở đây có một câu hỏi được đặt ra rằng thế nào là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng? Nếu áp đặt cách giải thích như quy định tại Khoản 3, Điều 8 nêu trên thì trong trường hợp một người điều khiển xe ôtô vượt đèn đỏ và suýt đụng vào một người điều khiển xe đạp và trên chiếc xe đạp kia đang có hai người, thì có phải là hành vi đặc biệt nghiêm trọng hay không?

Được biết, Bộ Tư pháp đang thực hiện việc soạn thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, mong rằng điều băn khoăn trên đây không chỉ của riêng cá nhân tôi mà còn là của nhiều chuyên gia pháp luật sẽ sớm được làm rõ hơn.

Diệp Viên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu