Thứ 6, 19/04/2024 06:57:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 13:40, 25/10/2013 GMT+7

Khái niệm về chính thể cần thống nhất

Thứ 6, 25/10/2013 | 13:40:00 885 lượt xem

* Tại Điều 1 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tiếp đó, tại Khoản 1, Điều 5 có quy định như sau: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại Điều 1 thì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập có chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Nhưng đến Khoản 1, Điều 5 lại khẳng định rằng: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi rằng: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Thì sẽ có hai góc độ giải thích, hai câu trả lời khác nhau. Một là trả lời theo Điều 1. Hai là trả lời theo Khoản 1 của Điều 5. Do đó, tôi xin đề nghị bỏ Khoản 1 của Điều 5 và viết lại Điều 1 như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng trời, vùng biển và là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Quy định như vậy là đầy đủ và trọn vẹn chính thể.

* Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10) có nội dung như sau: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa đầy đủ về yếu tố lịch sử, về lý luận và cả về tính nhất quán của sự lãnh đạo của Đảng, cũng như sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chúng ta biết rằng cách đây 54 năm, giai cấp công nhân tỷ lệ còn nhỏ bé so với tỷ lệ chung của đất nước, mặt khác giới chủ và người sử dụng lao động thời bấy giờ tương đối đơn thuần hơn. Nhưng trong thời kỳ hội nhập và càng ngày càng phát triển thì người sử dụng lao động sẽ đa dạng, trong đó có cả người nước ngoài. Do đó, giai cấp công nhân phải chịu sự điều phối của rất nhiều đối tượng sử dụng lao động khác nhau. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải có lực lượng lãnh đạo của giai cấp công nhân để điều hòa mối quan hệ này dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, tôi đề nghị Điều 10 cần được giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành (1992), như sau: Điều 10: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục, cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Điều 48 (sửa đổi, bổ sung Điều 77) trong dự thảo có nội dung như sau: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định. Tôi cho rằng quy định như thế là chưa thỏa đáng và chưa phù hợp trong thực tế. Vì ngay ở phần đầu đã quy định: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Sau đó, cũng tại điều này đã khẳng định rằng: Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Nhưng ở phần cuối của điều này lại có quy định rất khó hiểu, là: Việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định. Như vậy, ngay trong cùng một điều, nhưng nội dung lại mâu thuẫn nhau.

Hơn nữa, hiện nay ngoài nghĩa vụ quân sự, chúng ta còn có một lực lượng thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân và về thời gian làm nghĩa vụ công an nhân dân có khi dài hơn đối với tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong thực tế hiện nay, nhiệm vụ của các chiến sĩ công an thường xuyên phải đối mặt với cái xấu, cái ác... nên nguy cơ bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản là rất cao. Thực tế đã có không ít cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Do vậy, trong xã hội sẽ có không ít người ngại hoặc lo sợ mà không dám thực hiện nghĩa vụ công an. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng, cần thiết phải bổ sung nội dung về việc công dân phải có trách nhiệm tham gia làm nghĩa vụ công an. Vì nếu không quy định như vậy sẽ có công dân không thực hiện nghĩa vụ công an. Bởi lẽ, Hiến pháp không quy định công dân phải làm nghĩa vụ công an.       

Hồ Văn

  • Từ khóa
108269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu