Thứ 5, 28/03/2024 23:05:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:55, 30/05/2018 GMT+7

Khắc tinh của tội phạm công nghệ cao

Thứ 4, 30/05/2018 | 08:55:00 141 lượt xem

BP - Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận lần cuối về dự thảo Luật An ninh mạng trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 12-6. Dự luật có 7 chương, 47 điều. Trọng tâm là các quy định về phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn, ứng cứu, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng; loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng; triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng trong hệ thống cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương...

Để bảo đảm an toàn khi sử dụng mạng, chúng ta đang sử dụng hàng loạt công nghệ sinh trắc học trong xác thực thông tin người dùng, nổi bật là công nghệ nhận diện hình ảnh (mống mắt, vân tay, khuôn mặt...). Tuy nhiên do ý thức sử dụng mật khẩu của người dùng tại Việt Nam chưa cao, nhất là thói quen tùy tiện nhập thông tin tài khoản vào các website, đường link lạ, thậm chí sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản nên không đảm bảo an toàn. Mặt khác, sự bùng nổ công nghệ thông tin kéo theo sự bùng nổ tin tức bịa đặt, sai sự thật, nhất là tin tức liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước mang lại không ít phiền toái cho người sử dụng mạng xã hội, khiến người đọc hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Ở Bình Phước, tại một số huyện, thị xã xảy ra các vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thời gian qua, nhất là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại” đã và đang gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa bàn. Điển hình là vụ bà V.T.H ở tổ 11, khu phố Phú Bình, phường An Lộc, TX. Bình Long nhận được điện thoại từ số máy 06633822032 của đối tượng tự xưng là Đội trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh. Đối tượng cho biết, đang điều tra vụ án buôn bán ma túy liên quan đến người thân trong gia đình bà và yêu cầu chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản số 4601.000.2975.967 của người tên là Lê Thị Thơ mở tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) - Chi nhánh Hải Dương để phục vụ điều tra. Nhận tin báo, vì quá lo sợ, bà H không thông báo cho người thân biết mà tự đến ngân hàng. Rất may, bà đã kịp suy nghĩ lại, không gửi tiền mà trở về nhà kể lại nội dung sự việc cho chồng biết, sau đó bà H đến Công an thị xã Bình Long trình báo và việc lừa đảo của đối tượng bị lật tẩy.

Luật An ninh mạng ra đời không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia mà còn góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là khi chúng ta tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc bảo đảm an ninh mạng càng cấp thiết. Khi luật này được thông qua, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng. Đồng thời khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, bình tĩnh xử lý thông tin, kịp thời báo cơ quan công an gần nhất khi phát hiện loại tội phạm này.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108879

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu